Nghị lực chàng trai xương thủy tinh ở Quảng Ngãi

Em Nguyễn Tấn Khang (19 tuổi, xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, dù vậy em đã vượt lên nghịch cảnh và “cháy” hết mình với niềm đam mê khởi nghiệp.

Em Nguyễn Tấn Khang mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, từ lúc 1 tháng tuổi, xương chân của Khang liên tục bị gãy và cho đến năm 19 tuổi, em đã chống chọi với hơn 40 lần gãy xương chân. Biến chứng căn bệnh đã khiến chân trái, chân phải của em yếu, teo dần. Khang không thể đi lại, thường xuyên đau ốm, em phải dừng lại việc học cuối năm lớp 9.

Em Khang chia sẻ: “Em biết những va chạm nhỏ cũng có thể khiến xương chân của em bị gãy và có lẽ đến bây giờ, không còn một chiếc xương nào là chưa gãy. Dù cố gắng tự làm mọi thứ nhưng hầu như mọi hoạt động đều khó khăn. Mẹ em lại mắc bệnh tim, không thể đưa đón em đi học, nên em quyết định nghỉ học phụ giúp gia đình”.

Bà Đinh Thị Châu, mẹ em Khang, phát hiện bản thân mắc bệnh tim và phải liên tục điều trị, trong khi đó, cha Khang làm ăn thua lỗ, phải bán tàu cá, bán nhà để trả nợ.

nguoi khuyet tat 4 (1 of 1).jpg
Em Nguyễn Tấn Khang rất có tài vẽ tranh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Có thời gian dài Khang rất tự ti với ngoại hình khuyết tật nhưng sự động viên của cha, mẹ và người thân đã kéo Khang ra ánh sáng. Khang nói: “Em đã tự khích lệ bản thân mình và suy nghĩ phải làm thế nào để giúp đỡ gia đình em trong lúc này”.

Khi sức khỏe có phần cải thiện, Khang đi bán vé số. Hằng ngày, từ 6 giờ sáng, Khang đi bán vé số ở quanh chợ Nghĩa Phú, có hôm đi xa hơn qua đến xã Nghĩa An, đi lên xã Nghĩa Hà ở lân cận. Khang nói: “Em đi sớm để kịp đến chợ đông. Có lúc em bán được, có lúc vắng người mua, em cũng buồn nhưng em đều kiên trì bán đến 10 giờ thì tự đẩy xe lăn về. Cơm nước, nghỉ ngơi, em lại tiếp tục đẩy xe đi bán vé số đến 8 giờ tối thì về”.

nguoi khuyet tat 3 (1 of 1).jpg
Năm 2024, đánh dấu bước ngoặt khi Khang lần đầu tiên khởi nghiệp từ làm thớt gỗ cao su. Ảnh:NGUYỄN TRANG

Đến đầu năm 2024, Khang nghĩ ra ý tưởng làm thớt gỗ, nhờ vào sự giúp đỡ người thân, em đã tự tay làm được những chiếc thớt gỗ cao su đầu tiên. “Khởi nghiệp là một chặng đường đầy khó khăn và đối với người khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Em tự học cách làm ra một chiếc thớt gỗ từ công đoạn tạo hình, chà giấy nhám mịn, đánh bóng và phủ sơn chống mối mọt”.

Cầm trên tay 60.000 đồng chiếc thớt gỗ đầu tiên bán được, em đã đưa cho mẹ để mẹ lo bữa cơm trong ngày. Tinh thần không bỏ cuộc, gần 1 năm, Khang đã bán được hơn 100 chiếc, mỗi chiếc thớt em bán từ 60.000-70.000 đồng/chiếc.

Kiếm được tiền, Khang tự tin và càng cố gắng hơn, em không ngừng học hỏi và sáng tạo những sản phẩm mới, trong đó có chậu hoa nhỏ để bàn bằng gỗ. “Bây giờ em đã có những đồng tiền cho chính tay mình làm ra nên em rất vui, các sản phẩm đều có nhãn chữ tên em, em ước mong tay nghề sẽ khá hơn để tự lo cho bản thân và giúp gia đình”.

Chị Phạm Thị Hương, Phó Bí thư Đoàn xã Nghĩa Phú, cho biết: “Đoàn xã cũng hỗ trợ em Khang trong giới thiệu sản phẩm và động viên em cố gắng vượt qua khó khăn, trở thành tấm gương người khuyết tật”.

Tin cùng chuyên mục