Nghị lực chàng trai khuyết tật mở tiệm sửa điện cơ

Vượt lên số phận nghiệt ngã, chàng trai khuyết tật Phạm Tấn Tùng (28 tuổi, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mở tiệm sửa điện cơ và giúp đỡ nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn học nghề miễn phí.

Tiệm sửa điện cơ nhỏ nằm trên tuyến đường ở vùng ven biển xã Bình Đông lúc nào cũng có khách.

Khuyết tật bẩm sinh, tay trái của anh Tùng bị teo cơ, co quắp, sức khỏe cũng yếu hơn người bình thường. Anh cho biết: “Ba tôi làm nghề biển, mẹ ở nhà nội trợ. Nhà có 3 anh em thì chỉ có tôi bị khuyết tật như thế này. Ba mẹ cũng đưa đi các bệnh viện nhưng đều không thể giúp tôi phát triển bình thường như những người bạn cùng trang lứa”.

Cuộc sống ở miền biển khó khăn, năm 16 tuổi, anh Tùng nghỉ học và xin việc ở quê nhà để kiếm tiền phụ ba mẹ nhưng không có một cơ sở nào nhận. Anh quyết định vào miền Nam xin việc, hy vọng nơi đông đúc này có thể cho anh một công việc.

Anh Tùng được một cơ sở may gia công nhận vào làm việc, mỗi ngày đều làm từ sáng đến khuya muộn. Anh nói: “Ban đầu chủ cơ sở từ chối nhận tôi làm nghề may vì tôi khuyết tật. Tôi đã thuyết phục và xin họ cho tôi thử việc 1 tháng, nếu tôi làm được thì nhận, còn không thì có thể không trả lương tháng thử việc. Nhờ vậy, chủ cơ sở đã đồng ý và sau thời gian thử việc, tôi chính thức nhận tháng lương đầu tiên trong cuộc đời mình”.

Sau khi làm hơn 1 năm ở TPHCM, anh Tùng trở về quê tiếp tục xin học nghề điện cơ bởi đây là đam mê của anh nhưng vẫn không được nơi nào nhận, lúc này anh phải xin phụ việc cho một cơ sở nghề mộc. Anh nói: “Tôi làm nhiều công việc ở quê, có lúc làm nghề mộc rồi sau xin được làm việc nghề điện. Nhưng tôi vẫn muốn học nghề để có thể mở cửa tiệm của chính mình”.

Anh Tùng lại tiếp tục vào TPHCM, ban ngày anh làm thuê, ban đêm học thêm nghề điện cơ, điện tử. Năm 2018, sau khi nhận chứng chỉ nghề, anh Tùng trở về quê nhà.

Anh Tùng (bên trái) vượt lên số phận và thành công mở tiệm sửa chữa điện tử, điện cơ và dạy nghề miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Anh Tùng (bên trái) vượt lên số phận và thành công mở tiệm sửa chữa điện tử, điện cơ và dạy nghề miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Về quê, anh Tùng mở một tiệm nhỏ sửa chữa điện cơ, điện tử. Người dân quanh vùng ai cũng cảm phục nghị lực của anh và dần biết đến cửa tiệm nên có máy móc bị hư đều đem đến sửa. Đến nay, anh Tùng đã mở 2 cửa tiệm sửa chữa điện cơ, trung bình mỗi tháng, thu nhập của anh khoảng 10 triệu đồng, mang lại kinh tế ổn định cho anh và gia đình.

Không chỉ ý chí thay đổi cuộc đời, anh còn giúp đỡ cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được học việc miễn phí.

Em Nguyễn Tấn Tiển (18 tuổi, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ mất, em sống cùng các anh trai. Em theo anh Tùng học nghề đã hơn 6 tháng, đến nay đã cơ bản biết nghề. Em Tiển chia sẻ: “Anh Tùng dạy nghề miễn phí và còn cho em thực hành trong tiệm sửa điện cơ, sau khi học xong, em có thể xin việc ở các cơ sở, công ty tuyển công nhân làm nghề điện, sửa chữa điện cơ”.

Anh Tùng đã dạy nghề miễn phí cho 8 thanh niên trong địa phương, sau khi thành thạo, anh Tùng giao các thanh niên tiệm sửa chữa điện cơ thứ 2 để các em có cơ hội vừa học vừa có khoản tiền. Anh Tùng nói: “Khi đồ đạc nhiều, tôi đưa xuống cửa tiệm thứ 2 cho các em để các em làm. Sau khi học xong, các em có thể ở lại để làm việc hoặc đi làm cho các cơ sở, công ty ở Quảng Ngãi”.

Anh Lê Quang Phúc, Bí thư Đoàn xã Bình Đông, cho biết: “Mặc dù khuyết tật nhưng anh Tùng vươn lên để có nghề nghiệp ổn định. Anh giúp đỡ cho các thanh niên học nghề miễn phí và bản thân anh cũng rất năng nổ tham gia các hoạt động đoàn thanh niên trong hỗ trợ sửa chữa thiết bị điện tử, điện cơ của các hộ khó khăn tại địa phương”.

Tin cùng chuyên mục