Thời gian nghỉ học nhiều ngày đặt ra bài toán khó cho các trường phổ thông trong việc duy trì nề nếp học tập và đảm bảo chuẩn kỹ năng, kiến thức cho học sinh.
Chị Phan Thị Nga, phụ huynh có con học tiểu học ở quận Thủ Đức, bày tỏ: “Tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên quyết định cho học sinh kéo dài thời gian nghỉ học là kịp thời và hợp lý. Bởi với sĩ số học sinh/lớp khá đông ở các trường tiểu học hiện nay, học sinh đi học phải tiếp xúc với nhau trong khoảng cách gần, chưa kể trang thiết bị y tế, khu vực rửa tay dù đã được nhà trường gấp rút bổ sung nhưng chưa thể khiến phụ huynh an lòng”.
Trong khi đó, với học sinh mầm non và tiểu học, một ngày ở trường không chỉ có học tập mà còn nhiều hoạt động khác như ăn, ngủ bán trú, sinh hoạt tập thể trên lớp hoặc chơi với nhau thành nhiều nhóm nhỏ. Do đó, đây là đối tượng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bởi chỉ cần trong lớp có một trẻ mắc bệnh sẽ ảnh hưởng đến nhiều học sinh khác.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), thời gian nghỉ học kéo dài là cơ hội tăng cường mối liên lạc giữa nhà trường và gia đình trong việc nhắc nhở, quản lý việc học tập của học sinh. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp cho các trường mạnh dạn thử nghiệm, áp dụng nhiều hình thức học tập mới, qua đó đẩy mạnh mô hình trường học thông minh nhằm đem lại hiệu quả học tập tích cực hơn cho học sinh. Cũng theo thầy Phú, thống kê sau 2 tuần triển khai dạy học trực tuyến, đã có hơn 85% học sinh khối 12 tương tác tốt với giáo viên bộ môn, cho thấy hiệu quả bước đầu của hình thức học tập này.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT cho biết, tuy được trao quyền chủ động thời gian và hình thức tổ chức dạy bù, nhưng hiện nay cái khó của các trường phổ thông là còn mơ hồ về thời gian kết thúc năm học. Theo đó, dựa vào khung điều chỉnh thời gian kết thúc năm học, các trường mới có thể lập kế hoạch dạy bù để vừa đảm bảo chuẩn kỹ năng, kiến thức, vừa không gây quá tải, tạo tâm lý học tập nhẹ nhàng cho học sinh. Vì vậy, bên cạnh việc tổ chức các hình thức dạy học trực tuyến theo kế hoạch năm học cũ, các trường kiến nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT sớm ban hành văn bản điều chỉnh khung thời gian kết thúc năm học để có thể chủ động trong việc phân bổ chương trình, lịch học, cũng như lựa chọn phương án học tập phù hợp.
Đối với trường ở khu vực ngoại thành, thầy Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ), cho biết trong 2 tuần qua, nhà trường đã triển khai các hình thức dạy học từ xa (giáo viên giao bài tập qua mail, trao đổi việc học với học sinh thông qua các ứng dụng Zalo, Viber, Facebook). Tuy nhiên, với quyết định kéo dài thời gian nghỉ học đến hết tháng 2, trong tuần này, ban giám hiệu sẽ họp với các tổ chuyên môn tìm phương án học tập hiệu quả.
“Đặc thù của học sinh ở vùng sâu, vùng xa là không phải em nào cũng sử dụng điện thoại di động hoặc được phụ huynh trang bị laptop, nên phương án học tập phải tính đến nhiều giải pháp, hình thức phù hợp với từng đối tượng học sinh. Trước mắt, chúng tôi sẽ thử nghiệm một số công cụ dạy học trực tuyến để nâng cao hiệu quả tiếp nhận cho học sinh”, thầy Minh cho biết.