° PV: Thưa ông, mục đích lớn nhất của NĐT Kyoto là gì?
° Ông Trần Hồng Hà: Theo NĐT Kyoto, đã được 159 quốc gia ký kết, trong đó có Việt Nam, các nước tham gia NĐT cam kết giảm phát thải khí nhà kính (bao gồm CO2, CH4, N2O, HFCs. PFCs, SF6) với mức cắt giảm cụ thể ít nhất là 5% so với năm tiêu chuẩn 1990 (EU: 8%, Mỹ: 7%, Nhật Bản: 6%...) trong giai đoạn từ 2008 đến 2012. Mục đích của việc làm này là ngăn ngừa sự nguy hiểm của việc phát thải khí nhà kính đối với hệ thống khí hậu toàn cầu.
NĐT Kyoto có hiệu lực khi được 55 nước tham gia phê chuẩn, chiếm ít nhất 55% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn cầu của năm tiêu chuẩn 1990. Hiện nay, sau khi Tổng thống Nga Putin phê chuẩn việc Nga tham gia NĐT, tỷ lệ phát thải CO2 của các nước đã phê chuẩn NĐT Kyoto lên đến 61%.
° Nhưng, Việt Nam chưa nằm trong danh mục các nước phát triển và các nước đang trải qua quá trình kinh tế chuyển sang thị trường cần thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Vậy, việc NĐT Kyoto có hiệu lực tác động như thế nào đến kinh tế- xã hội nước ta?
° Việc NĐT Kyoto có hiệu lực sẽ mang lại cho Việt Nam cả cơ hội lẫn thách thức, song chủ yếu sẽ là ảnh hưởng tích cực...
Từ kinh nghiệm của các nước đi trước, Việt Nam có thể xác lập được hướng đi và lộ trình đúng đắn trong quá trình phát triển kinh tế, chẳng hạn như chú trọng ngay từ bây giờ việc thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo, nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ “xanh”, tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, NĐT Kyoto có điều khoản cho phép buôn bán hoặc chuyển giao lượng phát thải khí nhà kính giữa các nước với nhau, có nghĩa là các nước tham gia NĐT Kyoto có quyền “trao đổi hạn ngạch”: những nước thải khí ít như Việt Nam có thể chuyển nhượng lại tiêu chuẩn của mình cho các nước phát thải nhiều khí.
Đây là một lợi ích kinh tế đáng kể, song cần đảm bảo rằng, khoản tiền thu được đó phải được đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường, hình thành cơ chế phát triển sạch (CDM). Việt Nam cũng có thể thu hút nhiều ngành công nghiệp mà không thể tiếp tục phát triển ở một số nước và khu vực thuộc danh mục phải cắt giảm phát thải khí nhà kính.
° Còn thách thức, thưa ông?
° Nước ta cần đặt ra và có lời giải chính xác cho bài toán kinh tế - xã hội để thu nhập của hôm nay không để lại những gánh nặng cho tương lai. Nói một cách khác, cần sàng lọc trong thu hút đầu tư, từng bước hạn chế những công nghệ lạc hậu, tạo ra nhiều khí nhà kính, gây tác động xấu đến môi trường. Việt Nam sẽ phải có sự chuẩn bị bài bản về quy hoạch phát triển, đào tạo cán bộ, hình thành khung khổ pháp lý, đầu tư cho cơ sở vật chất, công nghệ...
ANH THƯ thực hiện