Nghêu nuôi chết hàng loạt ở Hà Tĩnh là do ảnh hưởng thời tiết

Nhận định sơ bộ về nguyên nhân nghêu chết tại Hà Tĩnh đó là do sự tác động tổng hợp của các yếu tố: Mật độ nuôi dày; ngao thương phẩm bị yếu sau quá trình sinh sản; hiện tượng sương muối xảy ra trùng thời điểm bãi nghêu phơi bãi vào ban đêm và thời gian phơi bãi kéo dài (10-12 giờ/ngày)...
Nghêu chết hàng loạt khiến nhiều hộ nuôi ở Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng
Nghêu chết hàng loạt khiến nhiều hộ nuôi ở Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng

Chiều 21-4, thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) vừa có báo cáo kết quả quan trắc đột xuất về hiện tượng nghêu nuôi (hay còn gọi là ngao) bị chết tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, ngày 11-4-2018, sau khi nhận được Công văn số 60/TS-NTTS của Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ kiểm tra, xác định nguyên nhân nghêu chết tại Hà Tĩnh. Được sự đồng ý của Tổng cục Thủy sản, ngày 12 và 13-4-2018, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh triển khai đợt quan trắc đột xuất tại vùng nuôi nghêu thuộc huyện Thạch Hà, huyện Lộc Hà và huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Nghêu nuôi chết hàng loạt ở Hà Tĩnh là do ảnh hưởng thời tiết ảnh 1 Các điểm thu mẫu tại vùng nuôi nghêu địa bàn huyện Lộc Hà (ảnh trái) và vùng nuôi nghêu địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (ảnh phải)

Cụ thể, Trung tâm đã tiến hành phân tích các chỉ tiêu nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, NH3, N-NO2-, P-PO43-, H2S, COD và sắt trong tổng số 7 mẫu nước thu tại vùng nuôi ngao Lộc Hà và Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Kết quả cho thấy: Tất cả các chỉ tiêu phân tích đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép đối với môi trường nuôi thủy sản nước mặn lợ và Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT: 2015/BTNMT (phụ lục 2).

Đối với kết quả định lượng tảo độc hại, trong 7 mẫu thu từ vùng nuôi nghêu Lộc Hà và Cẩm Xuyên đã ghi nhận được 6 loài tảo độc hại thuộc ngành tảo Khuê và tảo Giáp với mật độ dao động lần lượt từ 0 - 640 tb/l và 0 - 60 tb/l, thấp hơn giới hạn cảnh báo theo thông tư 33/2015/TT-BNNPTNT (phụ lục 3).
Từ kết quả khảo sát thực địa kết hợp với kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường nuôi cơ bản cho thấy: Không phát hiện thấy mối liên quan yếu tố môi trường nước nuôi cơ bản và không phát hiện thấy mối liên quan giữa tảo độc hại với hiện tượng nghêu chết tại Hà Tĩnh từ các mẫu phân tích.
Nghêu nuôi chết hàng loạt ở Hà Tĩnh là do ảnh hưởng thời tiết ảnh 2 Ông Phạm Ngọc Dũng (64 tuổi, ở xóm 2, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên) buồn rầu bên đống nghêu nuôi bị chết phải đem đi đổ bỏ ở khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng
Nhận định sơ bộ về nguyên nhân nghêu chết tại Hà Tĩnh đó là do sự tác động tổng hợp của các yếu tố: Mật độ nuôi dày; ngao thương phẩm bị yếu sau quá trình sinh sản (bãi ngao có mùi tanh hơn thường ngày); hiện tượng sương muối xảy ra trùng thời điểm bãi nghêu phơi bãi vào ban đêm và thời gian phơi bãi kéo dài (10-12 giờ/ngày); thời tiết năm nay ít nắng nên không có tác động của bức xạ mặt trời làm cho sương muối tan chậm so với các năm trước, kéo dài thời gian tác động bất lợi lên bãi nghêu.

Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc khuyến cáo và đề nghị: Đối với những bãi nuôi có mật độ cao cần san thưa mật độ để giảm sự cạnh tranh thức ăn và không gian sống; khi nghêu đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch để làm giảm mật độ và tránh thất thu do bị chết tiếp; không nên thả giống mới ở thời điểm hiện tại do bãi nghêu vẫn còn nghêu bị chết chưa thu gom hết và các bãi nghêu chưa được cải tạo sau thời gian dài nuôi; đề nghị địa phương có quy hoạch nơi thu gom xác nghêu chết để người nuôi có thể mang tiêu hủy đúng nơi quy định, tránh ảnh hưởng đến ngao sống và môi trường sinh thái chung của vùng nuôi.

Đồng thời tiếp tục giám sát việc thu gom xác nghêu và chôn lấp theo quy định một cách triệt để. Các cơ quan quản lý cần hướng dẫn các hộ nuôi cải tạo bãi nuôi nghêu theo đúng quy trình...

Nghêu nuôi chết hàng loạt ở Hà Tĩnh là do ảnh hưởng thời tiết ảnh 3 Không chỉ bị thiệt hại về tài sản do nghêu chết hàng loạt, mà các hộ nuôi còn phải tốn kém hàng triệu đồng thuê lao động về nhặt nghêu chết đem đi đổ bỏ để đảm bảo môi trường sạch cho bãi nuôi
Theo báo cáo, hiện tượng nghêu chết đã xảy ra tại các huyện Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên của tỉnh Hà Tĩnh từ cuối tháng 3-2018 đến nay (chủ yếu nghêu thương phẩm cỡ 50con/kg chết, các loại nghêu giống cỡ 500–600 con/kg và cỡ 300 con/kg chết rải rác và ít).
Trong đó, tại huyện Thạch Hà, hiện tượng nghêu chết tại các bãi nuôi ngao thuộc xã Thạch Bàn với diện tích bị thiệt hại 64,98ha/86,38ha diện tích nuôi, với 24 hộ nuôi, mức thiệt hại 40-90%. Số lượng giống thả 261,8 tấn.

Tại huyện Lộc Hà, hiện tượng nghêu chết tại các bãi nuôi nghêu thuộc các xã Mai Phụ, Thạch Châu, Thạch Bằng với diện tích bị thiệt hại trên 40 ha/194ha, mức độ thiệt hại trên 50%.

Tại huyện Cẩm Xuyên, nghêu (sò lát, nghêu trắng) chết hàng loạt tại các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc với diện tích thiệt hại 15,2ha (Cẩm Lĩnh 11ha/21ha diện tích nuôi, Cẩm Lộc 4,2ha/14ha diện tích nuôi), mức độ thiệt hại trên 70%.

Tin cùng chuyên mục