Chương mới trong lịch sử cứu hộ
Trong lịch sử quân sự của nước Mỹ, vụ giải cứu tàu ngầm USS Squalus lớp Sargo của Hải quân Mỹ đã trở thành sự kiện lớn và cũng là một bài học kinh nghiệm khi triển khai hoạt động của các tàu ngầm. Vụ việc diễn ra sáng 23-5-1939, tàu ngầm USS Squalus lớp Sargo với 59 thủy thủ bắt đầu lặn thử nghiệm như thường lệ ở ngoài khơi Portsmouth, New Hampshine mà không hề biết rằng họ sắp gặp thảm họa.
USS Squalus là tàu ngầm mới và tốt nhất của Hải quân Mỹ vào thời điểm đó. Tàu được hạ thủy tháng 9-1937 và đã trải qua 18 lần lặn thử thành công. Không ai nghĩ nó sẽ gặp sự cố trong lần thử nghiệm thứ 19, bởi mọi hệ thống trên tàu vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, do một sai sót kỹ thuật, kỹ thuật viên thông báo nhầm tọa độ cách nơi tàu lặn xuống tới 8km. Squalus lặn xuống khi van hút khí chính vẫn để mở, khiến hàng tấn nước biển tràn vào khoang động cơ ở phía đuôi tàu. Thủy thủ trên tàu bị sốc khi nghe tin và vội vã tìm cách cho tàu nổi lên. Họ đóng các khoang bị ngập và cố đóng van hút khí nhưng bất thành, trước khi đưa khí nén vào bể dằn để tàu nổi lên.
Tàu Squalus ổn định với phần mũi hướng lên trên. Tuy nhiên, khi thủy thủ cố gắng ngăn nước biển tràn vào qua đường ống thông hơi thì có một luồng áp lực gia tăng khủng khiếp. Dòng nước biển bất ngờ tràn vào các khoang phía trước và con tàu bắt đầu chìm xuống đáy đại dương do lượng nước biển ở đây quá lớn. Sự cố khiến 26 thủy thủ ở phía đuôi tàu bị nước tràn vào thiệt mạng ngay lập tức, 33 thủy thủ ở phía trước tàu sống sót. Tàu Squalus chìm xuống đáy với phần mũi hướng lên trên một góc khoảng 11 độ, mất điện hoàn toàn, không thể liên lạc và đang ở vùng biển có nhiệt độ chỉ trên mức đóng băng một chút.
Tàu ngầm Sculpin sau đó được điều đến tọa độ của tàu Squalus trong lần liên lạc cuối cùng, nhưng không phát hiện dấu hiệu thảm họa như mảnh vỡ hoặc vệt dầu. Không ai trên tàu Sculpin biết rằng họ đang cách nơi chiếc tàu ngầm bị chìm tới 8km. Trong khi đó, những thủy thủ sống sót trên tàu Squalus tìm cách gửi tín hiệu cầu cứu. Hạm trưởng Naquin nhanh trí ra lệnh thả một phao nổi gắn cáp và để một chiếc điện thoại bên trong với dòng chữ “tàu ngầm bị chìm ở đây, bên trong có điện thoại liên lạc”.
Thủy thủ đoàn liên tục phóng đạn khói ra ngoài, cũng như bơm dầu qua toilet để lực lượng cứu nạn có thể phát hiện vệt khói và dầu loang trên biển. Một thủy thủ trên tàu Sculpin phát hiện vệt khói bốc lên trời và báo cáo thuyền trưởng. Tàu Sclupin đến nơi, phát hiện phao hiệu cùng chiếc điện thoại và liên lạc được với tàu Squalus. Trong đêm đó, Hải quân Mỹ triển khai nhiều tàu hạ neo quanh khu vực tìm kiếm và bật đèn pha trên mặt biển, trong khi thủy thủ trên tàu ngầm Sclupin tìm cách đến gần tàu Squalus.
Phương án trục vớt tàu ngầm Squalus bị loại bỏ vì việc này quá nguy hiểm và rủi ro. Lực lượng giải cứu chỉ còn 2 lựa chọn là chuyển thiết bị lặn cho thủy thủ nổi dần lên mặt nước, hoặc dùng kén cứu hộ từ bên trên nhưng thiết bị này chưa qua kiểm chứng. Phương án đầu bị hủy vì khi thủy thủ thoát ra khỏi tàu ngầm, rất dễ nhiễm lạnh và chịu áp suất lớn dưới biển.
Ngày tiếp theo, các thợ lặn dùng kén cứu hộ. Họ thực hiện 4 đợt giải cứu với người cuối cùng lên mặt nước lúc nửa đêm 25-5. Chiến dịch giải cứu này đã mở ra một chương mới trong lịch sử cứu hộ dưới lòng đại dương.
Khó cứu vì “tàng hình”
Tàu ngầm quân sự vốn được thiết kế để di chuyển dưới đại dương mà không bị phát hiện. Ngoại trừ khi cần liên lạc với trụ sở chính, tàu sẽ không phát tín hiệu nào. Trong khi đó, thiết bị phát hiện tàu ngầm chỉ thực sự có hiệu quả khi tìm kiếm một con tàu đang ở “giữa biển hoặc nổi trên bề mặt”. Thực tế, khả năng tàng hình dưới biển của tàu ngầm là con dao hai lưỡi. Mỗi giờ trôi qua, hy vọng cứu hộ tàu càng ít đi. Các thủy thủ sẽ phải giảm hoạt động và di chuyển để giảm tiêu thụ ôxy trong lúc chờ được giải cứu. Dù đã được đào tạo tự giải cứu trong trường hợp nguy cấp nhưng cơ hội sống sót của họ còn tùy thuộc vào độ sâu của tàu.
Vào ngày 5-8-2005, tàu ngầm Priz AS-28 của Nga cùng thủy thủ đoàn 7 người bị mắc kẹt ở độ sâu 190m dưới mặt nước biển sau khi chân vịt mắc vào đường dây cáp dưới biển. Các thủy thủ bị mắc kẹt trong bóng tối trên con tàu giá lạnh và mức cung cấp ôxy xuống thấp. Vụ tai nạn này gây nhiều chú ý vì xảy ra chỉ 5 năm sau vụ tai nạn tàu ngầm hạt nhân Kursk bị đắm (năm 2000) khiến toàn bộ 118 thủy thủ thiệt mạng. Chính phủ Nga đã lập tức đề nghị sự hỗ trợ của Mỹ và Anh; đồng thời lên phương án giải cứu tàu. Đầu tiên là phương án cho nổ hệ thống neo của hệ thống ăng-ten giám sát do Nga cài dưới biển (nặng 60 tấn), nhưng đã bị bác bỏ vì không khả thi. Đến cuối ngày 6-8, bộ chỉ huy quyết định móc dây cáp vào tàu, kéo tàu lên tới gần mặt nước để đội người nhái có thể giải cứu các thủy thủ. Nhưng kế hoạch này cũng thất bại.
Đến đêm 6-8, cuộc chạy đua với thời gian lên đến đỉnh điểm vì dưỡng khí trong tàu chỉ còn đủ cầm cự đến ngày 7-8. Tàu lặn không người lái Super Scorpio 45 của Anh đã vào cuộc. Theo chỉ huy Jonty Powis, chuyên gia về cứu hộ và giải thoát tàu ngầm của Anh, chiến dịch diễn ra suôn sẻ. Tàu đã cắt đứt thành công các sợi dây cáp đang bủa chặt tàu ngầm Priz. Chỉ huy Powis đề cao sự cởi mở của Chính phủ Nga trong việc cho phép các bên cứu hộ can thiệp vào khu vực từng là một trong những phần bí mật nhất của Liên Xô trước đây. Chỉ sau 3 ngày mắc kẹt dưới biển, con tàu cuối cùng đã trồi được lên mặt nước. Cả 7 thành viên thủy thủ đoàn đều khỏe mạnh.
Dù phải chịu đựng cái lạnh và tình trạng dưỡng khí trong tàu càng lúc càng cạn dần, khi được cứu thoát, các thủy thủ vẫn có thể tự mở nắp tàu ngầm và di chuyển sang tàu cứu hộ mà không cần sự trợ giúp. Theo kết quả kiểm tra tại bệnh viện, sức khỏe của cả 7 người vẫn bình thường và không cần sự điều trị đặc biệt nào. Điều này cho thấy thủy thủ đoàn đã phản ứng rất chuyên nghiệp trước tình thế vô cùng ngặt nghèo trong con tàu bị mắc kẹt ở độ sâu 190m dưới biển. Họ đã mặc đồ cách nhiệt để giữ ấm cơ thể, tiết kiệm điện tối đa bằng cách chỉ liên lạc với đất liền một cách đứt quãng và cố gắng giữ bình tĩnh để không làm hao hụt lượng dưỡng khí ít ỏi trên tàu.