Một phương Nam mộc mạc với con người dễ mến, cảnh sắc hiền hòa mùa nước nổi hiện lên qua hơn 100 tác phẩm trưng bày trong triển lãm, với chất liệu chủ yếu là sơn dầu và một số tác phẩm điêu khắc.
Họa sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949, là người gốc Bến Tre, được sinh ra trong chiến khu Đồng Tháp Mười do cha mẹ ông là trí thức theo kháng chiến và ông ở đó đến khoảng 5-6 tuổi, sau đó theo gia đình tập kết ra Bắc. Họa sĩ Ca Lê Thắng tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và được giữ lại để giảng dạy. Sau ngày giải phóng, ông là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Ông được biết đến với biệt tài vẽ họa hình ngay từ thời còn là sinh viên, nhiều người dự đoán ông sẽ trở thành họa sĩ theo lối vẽ hiện thực hay siêu thực nhưng sáng tác của ông cứ “buông” dần với những mùa nước nổi thênh thang, thanh thoát qua từng đường cọ.
Nói về cách vẽ “buông” của họa sĩ Ca Lê Thắng, họa sĩ Ngô Đồng chia sẻ: “Chính tuổi thơ ở Đồng Tháp Mười đã cho ông ấy nhiều khoảnh khắc đẹp đến như vậy. Ngược lại, sự khổ sở, hoang mang và sợ hãi trước thiên nhiên hoang dã, việc trở lại hay tìm ra lối vẽ “buông” của họa sĩ Ca Lê Thắng đã có lúc làm không ít đồng nghiệp cùng thế hệ ngạc nhiên và lớp họa sĩ sau này ngưỡng mộ. Với tôi, Ca Lê Thắng không hề vẽ tranh trừu tượng, mà vẫn là vẽ lối tranh ấn tượng bộc bạch những thứ hằn sâu trong ký ức, và ông đã vẽ nó ra như bay lượn hào sảng, tự do trên cánh đồng sáng tạo mùa nước nổi. Cảnh sắc Nam bộ trong tranh ông lung linh huyền ảo là sóng nước cỏ cây, là tiếng đớp mồi của cá quẫy ăn đêm, là gió, là nắng, là mưa, ánh trăng, bong bóng nước”…
Và cái hay trong tạo hình nghệ thuật thị giác, đó là mang lại những cảm nhận không chỉ ở đôi mắt mà còn ở thính giác cho người xem. Chị Trần Thu Trang (37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Mỗi bức tranh không đặc tả hay chi tiết một cảnh sắc nào, nhưng người xem vẫn cảm được như có tiếng sóng hiền hòa trong từng nét vẽ, mang đến cảm giác chao đảo, hoặc lâng lâng, bàng bạc qua mỗi tác phẩm. Cái tài của người họa sĩ ẩn mà hiện, hiện mà ẩn là thế”.
Triển lãm mở cửa tự do từ nay đến ngày 4-7, tại Trụ sở Hội Mỹ thuật TPHCM (số 218A đường Pasteur, quận 3, TPHCM).