Cạnh tranh cùng AI
Trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), một số quan điểm trái ngược nhau trong việc sáng tạo nghệ thuật đã nảy sinh và cùng tồn tại. Nhưng liệu đó có thực là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật, hay chỉ là sản phẩm của khoa học kỹ thuật? Nhiều nghệ sĩ, đơn vị đào tạo nghệ thuật khẳng định máy móc, công nghệ không thể thay cho trái tim, cảm xúc người làm nghệ thuật… Việc giáo dục cho sinh viên nghệ thuật phát triển tư duy sáng tạo, tư duy phản biện là vô cùng cần thiết.
Không chỉ đối mặt sự xuất hiện và cạnh tranh của AI, đào tạo nghệ thuật trong nước, nhất là nghệ thuật hàn lâm, cũng không ít gian nan khi nguồn nhân lực trẻ không mấy mặn mà theo nghề. Năm 2023, chỉ có 3 sinh viên Khoa Hội họa ở Đại học Nghệ thuật Huế tốt nghiệp. Còn ở Đại học Mỹ thuật TPHCM hệ chính quy năm học 2021-2022, trong tổng số 79 sinh viên tốt nghiệp, chỉ có 1 sinh viên điêu khắc, 4 sinh viên hội họa, còn lại đa phần thuộc ngành thiết kế đồ họa.
Vừa qua, tại Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) cùng Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức, PGS-TS Phan Thị Bích Hà (Trường Đại học Văn Lang) phân tích: “Việc đào tạo về nghệ thuật đang phải đối đầu với nhiều khó khăn. Với đào tạo chuyên môn, do kinh phí đào tạo nghệ thuật ở nước ngoài luôn cao hơn nhiều lần so với đào tạo khoa học kỹ thuật, nên rất hạn chế những cá nhân có nhu cầu du học. Về việc phổ cập giáo dục nghệ thuật học đường nhằm định hướng thẩm mỹ cho thanh thiếu niên, thì hiện đa phần các chương trình đào tạo nghệ thuật (múa, nhạc, hội họa, sân khấu…) tại các trường phổ thông, trường đại học còn sơ sài, mang tính hình thức…”.
Theo số liệu từ Dự án “Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững”, UNESCO khuyến nghị, cần phải dành ngân sách cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là 2% tổng GDP của mỗi quốc gia. Thực tế trong nước hiện nay, việc huy động nguồn tài chính hỗ trợ của nước ngoài cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - thông qua các dự án hợp tác phát triển vẫn chưa nhiều.
Nâng cao thẩm mỹ cộng đồng
Hoạt động của các loại hình nghệ thuật đều diễn ra theo một quy trình liên tục, khép kín với các giai đoạn cụ thể và tương tác qua lại: cuộc sống xã hội - nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng - cuộc sống xã hội... Trong đó, khâu đánh giá, phê bình mỹ thuật và giáo dục thẩm mỹ đóng một vai trò quan trọng trong mối liên hệ khép kín này. Có thể thấy, tác giả - tác phẩm - công chúng, đó là tam vị tạo nên sự nhất thể cho đời sống của nghệ thuật. Ba yếu tố này song hành, ràng buộc lẫn nhau, đặt điều kiện cho nhau trong suốt chiều dài lịch sử của bất cứ một nền nghệ thuật nào. Tuy nhiên, hiện nay không ít tác phẩm gần như chỉ phổ biến với người trong giới, công chúng không mấy quan tâm và đôi khi chưa đủ sức cảm thụ những tác phẩm hàn lâm.
Không ít triển lãm gần như chỉ rầm rộ với người làm nghề, khán giả cũng chỉ là bạn bè thân quen… Hay một số sách văn thơ, gần như chỉ in để trao tặng. Để định hình nền nghệ thuật trong tương lai, hiện tại cần những chính sách từ nhiều phía, trong đó cần phải nâng cao thẩm mỹ cộng đồng, để khoảng cách cảm thụ nghệ thuật được rút ngắn, và tiếng nói phản biện tác phẩm từ công chúng trở nên rõ nét hơn, thay vì chỉ là việc đón nhận một chiều.
GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, nhìn nhận: “Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật công cộng. Vì loại hình nghệ thuật này không chỉ dừng lại ở những tác phẩm mỹ thuật hoành tráng, công viên, đường phố..., không chỉ giới hạn trong lĩnh vực mỹ thuật, mà còn thể hiện qua nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn để tạo nên không gian văn hóa cộng đồng như: lễ hội âm nhạc, sông nước, ẩm thực, festival nghệ thuật đường phố... Chính những loại hình nghệ thuật này sẽ tạo nên điểm đặc trưng riêng của văn hóa vùng miền, nơi thu hút khách du lịch và giáo dục về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ tới cộng đồng, góp phần nâng tầm nhận thức về văn hóa nghệ thuật của công chúng mỗi ngày một cao hơn”.