Tại buổi cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nêu quan điểm, sau khi VTV1 chiếu phim Người phán xử thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều.
“Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả. Mà phim đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?”, Thiếu tướng Lê Tấn Tới đặt câu hỏi. Ngay lập tức, ý kiến này tạo ra những tranh luận sôi nổi.
Một trong những chức năng của nghệ thuật là giải trí. Nhưng nghệ thuật đồng thời cũng là động lực góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa con người, do đó không thể bỏ qua chức năng nhận thức, sáng tạo và đặc biệt là chức năng giáo dục. Tất nhiên, không thể yêu cầu tác phẩm nghệ thuật nào cũng phải đồng thời đáp ứng toàn bộ các chức năng nói trên. Trên thực tế, để hoàn thành đúng chức năng giải trí đã là nhiệm vụ không hề đơn giản, vì rất dễ sa đà vào việc chạy theo thị hiếu đám đông.
Người làm nghệ thuật trong bối cảnh hiện tại có rất nhiều thuận lợi khi các hình thức tiếp cận với công chúng ngày càng dễ dàng, đa dạng và cởi mở hơn. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi khi nhiều người nhân danh nghệ thuật, tạo nên những “tác phẩm” gây ra nhiều hệ lụy xấu, thậm chí gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt cho giới trẻ, trẻ em. Một thời gian dài sự xuất hiện của các loạt phim giang hồ mạng hay nhiều kênh YouTube, kênh TikTok có nội dung phản cảm, không lành mạnh… gây dư luận xấu. Lại có không ít sản phẩm lai căng, vay mượn, đạo nhái, phi giáo dục… vẫn đang xuất hiện nhan nhản và từng bị lên án gay gắt.
Xét cho cùng, đích đến cuối cùng của nghệ thuật là công chúng. Họ chính là những “người phán xử” công tâm nhất. Trong bối cảnh có rất nhiều lựa chọn các hình thức giải trí như hiện nay, công chúng đang ngày càng cho thấy gu thưởng thức, thị hiếu thẩm mỹ ngày càng được nâng cao. Điều này có được một phần nhờ việc được tiếp cận với đa dạng các loại hình nghệ thuật khác nhau. Do đó, họ sẽ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn ở người làm nghệ thuật và các tác phẩm nghệ thuật.
Để hài hòa giữa sáng tạo của người làm nghệ thuật và thị hiếu khán giả là điều không đơn giản. Nghệ thuật nếu không có khán giả sẽ trở nên vô nghĩa. Ngược lại, công chúng không có trình độ thưởng thức, gu thẩm mỹ sẽ khiến nghệ thuật dậm chân tại chỗ. Sự tương tác hai chiều luôn là điều cần thiết và tất yếu trong quy luật phát triển. Vấn đề này cũng đặt ra thách thức không nhỏ, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của người làm nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật trong việc hướng con người đến các giá trị chân - thiện - mỹ.
Người làm nghệ thuật ngoài tài năng còn cần có tâm, theo kịp và phản ánh được nhịp sống xã hội. Nghệ thuật là sáng tạo, được phép hư cấu, bay bổng và không có chỗ cho những áp đặt hà khắc. Nhưng để thành công, luôn cần bám rễ vào đời sống, phản ánh những gì chân thực, gần gũi với công chúng thông qua lăng kính nghệ thuật. Khi đó tự thân nó không chỉ lôi cuốn công chúng mà còn hoàn thành sứ mệnh thực hiện các chức năng khác ngoài giải trí, đặc biệt là giáo dục.
Thực tế đã chứng minh, có không ít bộ phim, chương trình, tác phẩm nghệ thuật… truyền cảm hứng, mang đến giá trị tích cực cho cộng đồng nhờ điều đó. Nhìn nhận một cách công bằng, nghệ thuật có cả tác động tích cực và chưa tích cực lên đời sống xã hội và công chúng cần tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, người làm nghệ thuật luôn cần không gian sáng tạo, sự đánh giá công bằng và khách quan.