Nghệ thuật và khoảng dừng trước công nghệ

Chỉ tính riêng trong ngày đầu tiên ra mắt trên nền tảng YouTube, MV “Em ơi ví dầu” đã nhận về lượt không thích (dislike) gấp hơn 3 lần lượt thích (like). Có lẽ, việc ứng dụng công nghệ mới một cách hời hợt đã khiến MV này bị mất điểm nghiêm trọng trước công chúng.

Sự nỗ lực làm mới của ê kíp khi thực hiện MV là rất rõ ràng và đáng ghi nhận, tuy nhiên thành quả lại không đáng kể, đến mức sai lỗi cơ bản như ca khúc mang âm hưởng miền Tây Nam bộ nhưng tạo hình cảnh sắc lại là ruộng bậc thang đặc trưng của các tỉnh vùng cao phía Bắc. Đó là chưa kể việc dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tổng hợp và phân tích đến 600 hình ảnh nhưng lại tạo ra một phiên bản ca sĩ khô cứng, chẳng khác nào tượng sáp biết cử động.

Trong vòng xoáy của đời sống 4.0, nghệ thuật không ngoại lệ, thậm chí còn là tiên phong ứng dụng công nghệ vào sáng tạo tác phẩm. Trước đây, ca sĩ Tố My cũng từng chi tiền tỷ để đưa công nghệ CGI (công nghệ 3D giả lập, tạo ra các hình ảnh tĩnh hoặc động bằng phần mềm máy tính) vào các MV ca nhạc của mình. Kết quả là ca sĩ này chịu lỗ nặng về kinh tế nhưng lại được khá nhiều khán giả đón nhận bởi hình ảnh đẹp, khung hình chuẩn điện ảnh, thỏa mắt nhìn, tai nghe.

Những năm gần đây, các tác phẩm được sáng tạo ít nhiều đều va chạm với công nghệ, mang hiệu ứng mới. Nhưng, mới chưa chắc đã hay và có thể đáp ứng doanh thu tốt, bởi đôi khi cái mới xuất hiện chỉ là một sự khác lạ nhạt nhòa.

Ứng dụng công nghệ vào sáng tạo tác phẩm đòi hỏi phải cân nhắc kỹ, không chỉ có phần mềm hay ứng dụng hiện đại là đủ mà đó phải là một sự am tường bài bản để đưa ra các bước chặt chẽ, hợp lý. Cao hơn mọi công nghệ hay hiệu ứng và kỹ xảo chính là trái tim người nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm sáng tạo có cái hay và khác biệt riêng vì nó mang bản sắc, tâm tư, tình cảm mà người thực hành sáng tạo gửi gắm vào…

Và đó cũng chính là điểm nhấn ấn tượng để một bài hát, bức tranh hay bộ phim, vở kịch có thể ở lại trong lòng công chúng. Tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo bởi tài năng, khối óc, khổ luyện và trái tim người nghệ sĩ chứ không phải thứ thực phẩm công nghệ được sản xuất theo dây chuyền hàng loạt như nhau.

Sự bùng nổ của AI cũng đặt người làm nghề trong một thử thách mới về bản quyền, bởi hoạt động của AI là tổng hợp và phân tích để tạo ra hình ảnh, tranh vẽ, content (nội dung)… theo yêu cầu từ người dùng. Việc tạo ra sản phẩm theo yêu cầu người dùng đặt ra nhiều vấn đề, như hình ảnh cảnh sắc được tổng hợp để đưa vào MV nên được nhìn nhận như thế nào? Nếu một trong những phân cảnh của MV có sử dụng hình ảnh của một nhiếp ảnh gia nào đó và chưa có sự cho phép thì câu chuyện bản quyền sẽ phân xử ra sao?

Giờ đây, một bài thơ, đoạn văn, bức tranh, hình ảnh… đều có thể được tạo ra từ AI một cách nhanh chóng. Việc mô tả càng chi tiết thì quá trình đưa ra sản phẩm càng nhanh nhưng chính sự tổng hợp này khiến chuyện bản quyền tác phẩm nghệ thuật vốn đã khó càng thêm rối.

Phải chăng trước làn sóng bùng nổ công nghệ, sáng tạo nghệ thuật cũng cần khoảng dừng? Không nhất thiết mỗi thực hành sáng tạo đều phải gồng mình để gắn công nghệ vào cho kịp thời đại, mà nó cần độ lùi để đặt công nghệ vào vị trí phù hợp trong con đường sáng tạo để cùng nghệ sĩ đồng sáng tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh.

Tin cùng chuyên mục