Điêu khắc trẻ và giá trị truyền thống
Khi nói về điêu khắc, người ta vẫn thường nghĩ ngay tới những công trình, mô hình thô ráp, hoành tráng. Nhưng ở triển lãm Lần trong/ Nằm giữa/ Vùi dưới/ Lộ trên hoàn toàn khác. Bằng góc nhìn và sự sáng tạo của người trẻ được đào tạo bài bản về nghệ thuật thị giác, những tác phẩm điêu khắc phản ánh cuộc sống đương thời nhiều hơn. Và giấy dó - một loại giấy thủ công truyền thống của Việt Nam - cũng được chọn làm chất liệu cho một số tác phẩm điêu khắc ở triển lãm này.
Nghệ sĩ Lê Hiền Minh theo học nghệ thuật sơn mài tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM và tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Cincinnati (Mỹ), được biết đến là nghệ sĩ thị giác kiên trì sử dụng giấy dó trong các sáng tác mang hình thức nghệ thuật sắp đặt cỡ lớn. Trong tác phẩm của mình, giấy dó được cô sử dụng như một công cụ điêu khắc. Là một người xem triển lãm, Hoàng Kha (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), chia sẻ: “Tên giấy dó tôi đã từng nghe qua, nhưng để thưởng thức một tác phẩm điêu khắc làm từ giấy dó thì đây là lần đầu tiên, thật sự tôi rất ấn tượng”.
Trong không gian triển lãm, đôi khi tác phẩm được nâng lên cao, để ám chỉ khoảng cách giữa không gian - thời gian, hay những khác biệt mang tính xã hội. Có khi tác phẩm lại mời gọi người xem đến gần, để bóc tách từng lớp chất liệu. Những mỏ neo lơ lửng trong không gian, cũng khiến bạn trẻ tò mò. “Những tác phẩm điêu khắc bằng nhiều chất liệu và sắp đặt trong không gian với dụng ý nghệ thuật thế này, cho người ta cảm giác rất khác, mặc dù điêu khắc là loại hình nghệ thuật truyền thống và lâu đời, nhưng trong không gian này rất mới mẻ”, Đỗ Minh Đạt (28 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ.
Cũng trong không gian này, người xem còn tìm thấy sự kế thừa những giá trị điêu khắc truyền thống của nghệ sĩ trẻ thông qua trưng bày đặc biệt các tác phẩm của cố nghệ sĩ Điềm Phùng Thị. Tìm thấy cảm hứng trong hệ thống 7 môđun hình học của bà, nghệ sĩ trẻ Thảo Nguyên Phan (một nghệ sĩ đa phương tiện thực hành với video, hội họa và sắp đặt), qua những sáng tạo bằng đá, gỗ và sơn mài, tiếp tục với niềm say mê tái mường tượng văn học dân gian và lịch sử truyền miệng/ghi chép của Việt Nam. Một miền không gian màu nhiệm được kiến tạo, ở đó, mọi khác biệt cùng đồng hiện và song hành.
Nghệ thuật thích nghi
Những bức vẽ dí dỏm của nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương (tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thực hành sáng tạo đa dạng, từ hội họa, sắp đặt tới phục hồi tranh dân gian - cụ thể là dòng tranh Kim Hoàng) vẽ lại một số tác phẩm kinh điển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam như Hai thiếu nữ và em bé (họa sĩ Tô Ngọc Vân) bằng ánh nhìn hài hước, thích nghi với những quy định trong trạng thái “bình thường mới” như: khẩu trang, sát khuẩn tay…
Chính điều này đã truyền cảm hứng và Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory mời các nghệ sĩ khác cùng tham gia chia sẻ những tác phẩm như trên đến công chúng. Tại đây, Triển lãm Nhà: Soi tâm để tiếp bước giới thiệu các tác phẩm đa dạng về chất liệu, từ hội họa, video, sắp đặt, thơ tới các chia sẻ cá nhân tựa như lời thì thầm, tâm sự thân mật, về ý tưởng và suy tư của nghệ sĩ, nhạc phẩm họ chơi trong thời gian giãn cách xã hội.
Mang đến triển lãm 2 bài thơ và một góc không gian sắp đặt trong triển lãm thể hiện lại góc sáng tác của chính tác giả, nghệ sĩ Nam Thi chia sẻ: “Góc bàn tại không gian sắp đặt này cũng hệt như góc bàn làm việc của tôi ở nhà, tôi muốn dựng lại không gian y như vậy để người xem có thể cảm nhận được bối cảnh Hà Nội lúc tôi sáng tác 2 bài thơ này. Đó là một ngày mà tiết trời vẫn còn rét nàng Bân, khi loa phường có thông báo về giãn cách xã hội, những nơi tấp nập ở thành phố đều trở nên vắng lặng. Tôi đi dạo một vòng Hồ Gươm, lúc đó vừa lạnh vừa vắng người, nhưng không hề bi quan vì mọi người đều chấp hành tốt các quy định như đeo khẩu trang và dù không thể trò chuyện cùng nhau, nhưng tôi quan sát người ta giao tiếp bằng ánh mắt nhiều hơn. Đó cũng là niềm tin, là động lực để chúng ta tin tưởng và vượt qua dịch bệnh”.
Nhà: Soi tâm để tiếp bước cũng như một thông điệp dung dị mà nhiều người có thể nhận ra sau những lần giãn cách/cách ly xã hội. Quay về những giá trị thuần túy của gia đình. “Điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng với triển lãm chính cái tên và sau đó là những bức tranh được vẽ lại từ các tác phẩm nổi tiếng. Một góc nhìn khá hài hước và truyền cảm hứng tích cực hơn đến người xem giữa những khó khăn chung của dịch bệnh”, Lê Trà An (26 tuổi, ngụ quận 2) chia sẻ.
Hai triển lãm Lần trong/ Nằm giữa/ Vùi dưới/ Lộ trên và Nhà: Soi tâm để tiếp bước diễn ra song song tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, quận 2) từ nay đến hết ngày 6-6. |