Đây là một trong số những lớp học thực hành về nghệ thuật tạo mô hình thực phẩm được tổ chức tại Nhật Bản, rất thu hút du khách nước ngoài, những người muốn tìm hiểu thêm về một nghề thủ công đặc biệt của Nhật Bản đã phát triển trong hơn 100 năm qua.
Nghề thủ công tạo hình các món ăn xuất hiện ở Nhật Bản từ cuối những năm 1910 đến đầu những năm 1920, khi các nhà hàng, quán ăn nở rộ. Văn hóa phương Tây, trong đó có cả ẩm thực, xuất hiện ngày càng nhiều cũng thúc đẩy nghề làm mô hình thức ăn, do yêu cầu cần quảng bá, giới thiệu các món ăn nước ngoài với thực khách Nhật Bản. Tập đoàn Iwasaki được cho là đơn vị tiên phong thương mại hóa các sản phẩm mô hình thức ăn vào năm 1932.
Việc sử dụng những mô hình này giúp khách hàng trong nước loại bỏ sự phỏng đoán và dễ hình dung hơn khi nhìn vào thực đơn. Mô hình món ăn được làm như thật, xuất hiện ở nhà hàng sang trọng, quán ăn hay thậm chí là xuất hiện ở đồ ăn đường phố. Quá trình làm mô hình thường bắt đầu với việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mang món ăn đến nhà máy để nghệ nhân chụp lại, vẽ phác thảo và tạo khuôn. Sau khi đổ khuôn thành công, các nghệ nhân mới chính thức đến công đoạn quan trọng nhất là vẽ các chi tiết hoàn toàn bằng tay. Những nghệ nhân này sẽ kiểm tra từng chi tiết của thực phẩm thực tế và sử dụng sơn gốc dầu để vẽ lên phần nhựa.
Không chỉ dùng để trưng bày, giới thiệu thực đơn cho nhà hàng, các mô hình món ăn đã trở thành ngành thủ công thu hút du khách và là món quà kỷ niệm độc đáo của đất nước Mặt trời mọc. Nhiều du khách nước ngoài khi đến Nhật Bản đã đăng ký tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở làm mô hình món ăn. Bên cạnh việc trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân tạo ra các món ăn sống động như thật, du khách còn được làm thử. Họ cũng có thể mua những mô hình món ăn bán sẵn dưới dạng móc chìa khóa, nam châm đính tủ lạnh… để làm quà kỷ niệm.
Dù hấp dẫn du khách nhưng ngành thủ công này đối mặt với tình trạng nhu cầu trong nước đang giảm, một trong những lý do là ngày càng nhiều quán ăn đóng cửa. Các quán ăn trong các trung tâm thương mại vẫn là khách hàng chính, trong khi ngày càng ít quán ăn trên phố sử dụng mô hình món ăn. Hơn nữa, việc xuất hiện thêm nhiều món ăn mới, sự du nhập của các món ăn nước ngoài cũng khiến các nghệ nhân gặp khó khăn và mất nhiều thời gian chế tác.
Trước tình hình trên, Tập đoàn Iwasaki đã mở rộng các thị trường tiềm năng. Trong bối cảnh lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm, các mô hình rau củ quả được dùng làm công cụ hướng dẫn những lao động nước ngoài làm thời vụ còn thiếu kinh nghiệm thực hành. Các công ty dược phẩm cũng tăng nhu cầu đặt hàng mô hình các loại thuốc… Chất liệu mô hình cũng được thay đổi. Từ sáp, nhựa tổng hợp để đảm bảo độ bền, đến nay là vật liệu thân thiện môi trường như các nguyên liệu sinh khối, để phù hợp với yêu cầu của khách hàng nước ngoài.