Nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM: Nghệ thuật cũng phải lưu tâm đến giáo dục
Nghệ thuật có một chức năng lớn là giáo dục con người hướng đến chân - thiện - mỹ. Tuy nhiên, đó không phải là giáo dục khô khan, theo kiểu một cộng một bằng hai, mà bên cạnh giáo dục phải kèm tính giải trí. Trong bối cảnh cuộc sống hiện nay, khi đạo đức đã và đang có một số sa sút thì nghệ thuật cũng phải lưu tâm đến tính giáo dục. Bên cạnh song hành với giáo dục, cần phải có tính giải trí thì công chúng mới dễ tiếp nhận hơn. Giống như ngày xưa, ta chỉ cốt sao ăn cho no, nhưng bây giờ không chỉ ăn no mà còn phải ngắm nhìn, thưởng lãm, phải trang trí cho món ăn đó. Thì giáo dục bây giờ cũng như vậy.
Với một người viết văn nói riêng và người sáng tạo nghệ thuật nói chung, trong quan sát của tôi, ngoài những gì được gọi là mỏ tự nhiên, tự bản thân có, thì sau đó bắt buộc người cầm bút phải bồi đắp thêm. Bởi, nếu cứ theo tự nhiên chủ nghĩa thì đến một lúc nào đó cũng sẽ hết. Và tự thân nhà văn phải bồi đắp, không ai có thể làm thay người làm sáng tạo trong chuyện này cả. Anh phải bồi đắp qua những gì anh đọc, nghiên cứu, học hỏi, rút kinh nghiệm từ bạn bè. Và phải lưu ý một điều, mỗi một người làm công tác sáng tạo phải tìm cho mình một con đường, sự độc đáo riêng, không nên bắt chước hay lặp lại.
Trong bối cảnh hiện nay, cụ thể hơn là đại dịch Covid-19, đã và đang là một điều khủng khiếp mà loài người mấy trăm năm rồi mới trải qua. Là nhà văn, phải biết đánh thức những gì trong lương tri, sự tốt đẹp nhất của con người. Nhất là trong lúc này, chúng ta phải sống bao dung, yêu thương nhau hơn, cùng nhau tiếp sức để chiến thắng đại dịch. Với một người cầm bút, hãy làm tròn thiên chức đó. Thành thử bây giờ, viết nhanh hay viết chậm, thị trường hay nghệ thuật là vấn đề do mỗi nhà văn tự giải quyết, bởi nhà văn là người chép sử của thời đại. Chắc chắn tôi hay các nhà văn khác cũng sẽ viết, sẽ phản ánh giai đoạn đặc biệt này để thế hệ mai sau biết được những điều mà ông cha mình đã trải qua.
Đạo diễn Dũng Nghệ: Đào sâu hiện thực để đưa vào phim ảnh
Ngoài yếu tố giải trí, mục đích tối thượng của nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng luôn là tiếng nói sâu thẳm từ bên trong trái tim của người nghệ sĩ sáng tạo. Dù là khai thác chất liệu cuộc sống ở khía cạnh nào, những người làm phim cũng luôn thể hiện tâm tư, tình cảm của mình trước thời cuộc và muốn hướng người xem đến những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Như bộ phim Về nhà đi con đã khiến người xem không cầm được nước mắt và cảm thấy yêu thương, có trách nhiệm với người thân, gia đình của mình hơn rất nhiều. Chính những bộ phim có giá trị như vậy đang ngày càng làm cho xã hội tốt đẹp hơn, theo hướng vị nhân sinh hơn rất nhiều.
Đối với giới làm phim, dịch Covid-19 đang làm đứt gãy tất cả chuỗi sản xuất và để lại rất nhiều hệ lụy cho nền điện ảnh cũng như truyền hình nước nhà. Nó khiến đời sống của anh em nghệ sĩ vốn dĩ đã suy giảm theo thị trường quảng cáo trong mấy năm qua, giờ càng thêm khó khăn hơn rất nhiều.
Điều quan trọng nhất lúc này là giữ được sức khỏe và quản lý được cảm xúc của mình, để tìm cách thích nghi với cuộc sống trong tình trạng bình thường mới; luôn suy ngẫm, đào sâu những ý tưởng, những nhân vật, những biến cố đã và đang xảy ra dồn dập trong thời gian vừa qua và sẵn sàng đưa nó vào trong tác phẩm của mình bất cứ lúc nào có cơ hội được trở lại phim trường. Có như vậy mới duy trì được niềm đam mê với sáng tạo và tác phẩm của mình mới thực sự có chất lượng, có giá trị xã hội sâu sắc,
Ở một góc nhìn của nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trần Ưu Đàm bày tỏ về quan niệm sáng tác của mình: “Tôi tin, khi sáng tạo chúng ta cần bước ra khỏi vùng an toàn, vượt qua chính mình, qua sự sợ hãi và tự hạn chế năng lượng sáng tạo bản thân. Tự tin và kiên trì, khi đó chúng ta sẽ tạo ra những đột phá và có tác phẩm nghệ thuật được khán giả Việt Nam và thế giới công nhận. Khi tác phẩm đã tốt, tính giáo dục sẽ tự có và người nghệ sĩ sẽ không cần phải giới thiệu nhiều về tác phẩm của mình đến công chúng nữa”. |