PGS-TS BÙI HOÀI SƠN: Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng khiến cả nghệ sĩ và công chúng tiếp cận nhanh với các xu thế phát triển trên thế giới, đời sống kinh tế tốt hơn giúp chúng ta có điều kiện hơn trong việc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo, cũng như thị trường nghệ thuật mở rộng hơn, tạo điều kiện kích thích sự sáng tạo.
Nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông mới, giúp chúng ta nối dài mơ ước, tạo thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, phổ biến và tiếp nhận nghệ thuật, song đó cũng chính là thách thức lớn. Những gì chúng ta thấy gần đây, từ chuyện từ thiện, hay các nghệ sĩ có hành vi ứng xử không phù hợp, các scandal trong giới nghệ sĩ đều là những việc cụ thể, cho thấy tất cả những thuận lợi và thách thức liên quan đến phát triển nghệ thuật. Nói như vậy để thấy, nghệ thuật đang ở trong một bối cảnh mới và cần có cách thức phát triển mới. Suy cho cùng, nghệ thuật trước hết phải vì con người, vì cuộc sống, nhờ đó, nghệ thuật mới lan tỏa được giá trị chân - thiện - mỹ, định hướng sự phát triển đạo đức xã hội.
Để nghệ thuật đi vào lòng người, giúp con người thấu hiểu ý nghĩa và truyền cảm hứng sáng tạo, nghệ thuật cũng đồng thời phải là cái đẹp, tôn vinh cái đẹp. Đặc biệt, trong những hoàn cảnh khó khăn, trách nhiệm trước cuộc sống của nghệ thuật càng rõ ràng hơn. Với sự đồng hành của nghệ thuật, chúng ta sẽ có một đời sống tinh thần tích cực và lành mạnh hơn, vượt qua khó khăn, thử thách. Thực tế, bao bài hát ca ngợi Tổ quốc, những anh hùng, đã truyền cảm hứng để bao lớp người dân Việt Nam ra mặt trận, quyết giành độc lập dân tộc - là bài học kinh nghiệm quý về vai trò của nghệ thuật đối với đất nước. Và ngay trong thời điểm này, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã giúp chúng ta có một tinh thần vững vàng hơn để chiến thắng dịch Covid-19. Đó có thể được xem là trách nhiệm, nghĩa vụ, nhưng cũng là đặc quyền của nghệ thuật.
Mỗi bối cảnh xã hội khác nhau, nghệ thuật sẽ có những cách thích nghi phù hợp; sự gắn bó giữa nghệ thuật và xã hội ở khía cạnh, nghệ thuật vừa phản ánh xã hội, vừa có tác dụng định hướng sự phát triển xã hội.
Không chỉ là xung đột nội tại giữa xu hướng cũ, mới; nghệ thuật tại thời điểm này còn phải đối mặt với câu chuyện hội nhập quốc tế, làm sao để gìn giữ được bản sắc trước những làn sóng văn hóa mới?
Có rất nhiều điều tích cực nên học từ văn hóa nước ngoài để làm giàu có hơn văn hóa Việt Nam. Nhưng nếu không có một phông nền văn hóa vững chắc, hiểu rõ mình là ai, mình cần gì thì cũng dễ rơi vào tình trạng lai căng, vọng ngoại, rồi trở thành xa lạ trên chính mảnh đất quê hương của mình. Trong một thế giới hội nhập, văn hóa chính là hình ảnh của một quốc gia. Bởi vậy, gìn giữ văn hóa dân tộc là yếu tố sống còn.
Đáng mừng là hiện nhiều nghệ sĩ trẻ đã và đang tạo nên một xu hướng tốt trong việc khai thác và nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa Việt. Những bộ phim mang tính cách con người và văn hóa Việt Nam, những bài hát khai thác yếu tố dân gian… là biểu hiện cụ thể của xu hướng này. Quan trọng là chúng ta hiểu được điều gì mình cần: đó là hành trang văn hóa dân tộc để đồng hành cùng với thế giới, khẳng định mình trong một thế giới toàn cầu hóa, để mình được là chính mình, khẳng định được cái tôi của bản thân nghệ sĩ cũng như bản sắc dân tộc chính là cách chúng ta sáng tạo, hưởng thụ nghệ thuật hiện nay.
Làm nghệ thuật đã khó, nhưng làm sao để nghệ thuật có thể tự phát triển và tự sống được là một hành trình đầy gian nan?
Mỗi người làm nghệ thuật sẽ có câu trả lời riêng cho câu hỏi này. Tôi nghĩ, văn hóa nghệ thuật là những sáng tạo hướng đến giá trị. Mà giá trị thì cần có thời gian để kiểm chứng, kết tinh. Tôi vẫn thích câu nói: “Những gì đi từ trái tim thì dễ đến được với trái tim”. Những tác phẩm nghệ thuật ra đời từ rung động của trái tim người nghệ sĩ chắc chắn sẽ có cơ hội để lưu lại trong tâm trí của mỗi người lâu dài.