Tăng cường tương tác
Triển lãm sắp đặt “Xôn xao in Saigon” diễn ra vào cuối năm 2021 vừa qua, tại Ươm Art Hub (42/58 Hoàng Hoa Thám, phường 7, quận Bình Thạnh), lấy cảm hứng từ những âm thanh nhộn nhịp thường ngày ở TPHCM. Khách tham quan cài ứng dụng “Xôn xao” trên điện thoại, máy tính bảng… để quét hình ảnh và xem chuyển động của từng tác phẩm. Tác phẩm vật lý qua hiệu ứng AR tạo thành những chuyển động, kích thích và tác động đến trải nghiệm đa chiều của người xem, đồng thời gợi lại kỷ niệm về những yếu tố kiến trúc ổn định và hệ thống lắp đặt trên đường phố.
Dù vậy, để có thể thay thế triển lãm hay hình thức trình bày truyền thống (trực tiếp) còn là câu chuyện đường dài. Ngoài việc thưởng thức những tác phẩm vật lý được trưng bày, tương tác thêm với không gian và tác phẩm chính là yếu tố thu hút và giữ chân người xem nghệ thuật. Anh Huỳnh Minh Thống (người sáng lập Xôn Xao Studio - đơn vị thiết kế đồ họa tại TPHCM) chia sẻ: “Triển lãm kết hợp công nghệ để tăng tương tác cho khách tham quan là chính, để nói thay thế hẳn triển lãm truyền thống thì không thể, bởi thưởng thức nghệ thuật, khách tham quan vẫn thích đến điểm tổ chức, nhìn ngắm tác phẩm và cảm nhận không gian trưng bày. Và cho dù có đủ phụ kiện công nghệ như kính thực tế ảo để tăng cường trải nghiệm, việc ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính hay điện thoại để xem một triển lãm rất khó để thấy thú vị”.
Cùng góc nhìn, Hoàng Trương Minh Thư (Trưởng dự án NÓI - một đơn vị trình diễn nghệ thuật độc lập tại TPHCM) bày tỏ: “Triển lãm online sẽ là một bước phát triển, một cánh tay nối dài, giúp triển lãm thực có thể được nhiều người, nhiều bạn bè khắp thế giới biết đến hơn, chứ không phải tồn tại mâu thuẫn với nhau”.
Nghệ thuật đường phố chuyển mình
Với họa sĩ graffiti, chất liệu và ý tưởng đến từ những điều dung dị, cơ bản nhất của nhịp sống thường ngày. Họa sĩ quan sát những chuyển động của đường phố, góp nhặt những vẻ đẹp thô ráp giấu mình trong mọi ngóc ngách của đời sống, sau đó tỉ mẩn gọt giũa, bóc tách những sần sùi và tôn vinh chúng trong tác phẩm của mình. Vì thế mà nơi thể hiện của graffiti cũng bình dân như tường nhà, hè phố, hẻm nhỏ…
Chuyển mình từ không gian đường phố, những năm gần đây, graffiti đi vào triển lãm nghệ thuật và kết hợp công nghệ để chinh phục khán giả nhiều hơn và giải quyết vấn đề lưu trữ tác phẩm sau triển lãm. Triển lãm “Lát cắt thị thành” diễn ra vào tháng 11-2021 (trong không gian trưng bày nghệ thuật tại 62 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM), kể chuyện thành phố qua những cảm nhận khác nhau của từng họa sĩ tham gia, khiến khán giả thích thú và thay đổi góc nhìn về graffiti - loại hình vẽ tường vốn được mặc định chỉ là nghệ thuật đường phố, thậm chí không ít lần bị gắn mác “vẽ bậy”.
Họa sĩ Trang Nhơn Khoa (nghệ danh Zkhoa, 26 tuổi) chia sẻ: “Một trong những yếu tố đặc trưng của graffiti là tính không toàn vẹn, sau triển lãm thì tác phẩm gần như biến mất. Lần này, chúng tôi kết hợp công nghệ để tăng tương tác cho khách tham quan và sau đó đưa triển lãm vật lý lên không gian ảo”. Việc kết hợp thêm AR, tạo thêm không gian cho họa sĩ graffiti sáng tạo tác phẩm, sẽ không còn bị giới hạn trên bề mặt truyền thống. Và graffiti được song hành với công nghệ để phản ánh những bối cảnh mới của xã hội.
Từ những triển lãm, đấu giá trực tuyến thích ứng với tình hình dịch bệnh, đến những ứng dụng công nghệ để nghệ thuật đường phố chuyển mình một cách nghiêm túc, trọn vẹn hơn, cho thấy, cộng đồng sáng tạo trẻ ở Việt Nam đang nỗ lực bắt kịp xu hướng nghệ thuật và công nghệ trong nhịp sống 4.0.
Công nghệ không ngừng phát triển, nhưng để chọn lựa công nghệ phù hợp đưa vào triển lãm nghệ thuật không phải là điều dễ dàng, nhất là với giới sáng tạo trẻ chưa có nhiều khả năng kinh tế. “Nếu không được hỗ trợ công nghệ từ Future Eyes, có lẽ chúng tôi cũng gặp khó khăn trong tổ chức. Công nghệ là một chuyện, nhưng phải biết lựa chọn và kết hợp thật hài hòa vào triển lãm mới tạo hiệu ứng tốt, thu hút khán giả”, Quỳnh Như (thành viên đồng sáng lập Xôn Xao Studio) chia sẻ. |