Theo ông Nobuo Takamori, người phụ trách triển lãm, đây là sự kiện thúc đẩy giao lưu văn hóa và sự hiểu biết lẫn nhau giữa châu Phi và châu Á. Triển lãm được Trung tâm Mỹ thuật đương đại Yaba và Bảo tàng Nghệ thuật Yaba, Nigeria phối hợp tổ chức, lấy cảm hứng từ kiệt tác văn học của Wole Soyinka, nhà văn Nigeria từng đoạt giải Nobel Văn chương năm 1986. Triển lãm cũng nhằm mục đích khám phá mối quan hệ châu Á - châu Phi thông qua nghệ thuật. Khách tham quan được thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, như Malaysia, Hàn Quốc, Việt Nam, Hy Lạp và lãnh thổ Đài Loan.
Cũng theo ông Nobuo Takamori, đây là lần đầu tiên diễn ra một triển lãm nói về mối liên hệ giữa châu Phi và châu Á cũng như ranh giới giữa 2 châu lục, nối tiếp triển lãm du lịch được tổ chức tại Đài Bắc vào năm 2022. Những người tham dự sự kiện ở lãnh thổ Đài Loan rất tò mò về văn hóa châu Phi và mối liên hệ lịch sử giữa 2 châu lục. Khách đến tham quan triển lãm ở Lagos đông hơn mong đợi, đặc biệt là giới trẻ và họ rất quan tâm đến các chủ đề khác nhau được trình bày trong triển lãm lần này. Đại diện Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Yaba, Tiến sĩ Balogun Adeola, cho biết: “Về cơ bản, hầu hết khách tham quan thực sự muốn hiểu hơn về 2 nền văn hóa và đó cũng là điều mà những nhà tổ chức mang đến triển lãm”. Theo ông, các tác phẩm tham gia triển lãm kể câu chuyện của chính mình thông qua văn bản, khiêu vũ, âm nhạc hoặc nghệ thuật thị giác với nhiều bức ảnh, video và tác phẩm hội họa sắp đặt được trưng bày, thể hiện mối quan hệ giữa 2 châu lục.
Về giao lưu văn hóa Á - Phi, mới đây, Kenya cũng đã khánh thành phòng trưng bày di sản của người châu Phi gốc Á tại Bảo tàng quốc gia. Các thành viên tổ chức là Quỹ Di sản Á - Phi, Quỹ châu Á, Quỹ Chandaria và Quỹ Desai. Cũng phải mất gần một thập niên, phòng trưng bày di sản của người châu Phi gốc Á mới hoàn thành. Trên nền những bức tường sơn màu xanh da trời là các khu vực dành cho nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm Di sản hàng hải, phố cổ Mombasa, đường sắt và các loại bưu thiếp về những năm đầu của người châu Á đến châu Phi. Những gì còn lại là hình ảnh, tư liệu đề cập đến vai trò của người châu Phi gốc Á trong mọi lĩnh vực, từ thương mại, từ thiện và đời sống gia đình đến thể thao, luật pháp, truyền thông và cả vai trò mà người châu Phi gốc Á đã thể hiện trong cuộc đấu tranh giành độc lập chống lại chế độ thuộc địa.
Ban tổ chức phòng trưng bày cũng đã mời công chúng tham gia hoàn thiện không gian bằng cách cho mượn hoặc tặng các đồ tạo tác, ảnh nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về vai trò quan trọng của người Phi gốc Á trong sự phát triển lịch sử của Kenya nói riêng, châu Phi nói chung trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn hóa, giáo dục và xã hội.