Một tối muộn, trong con hẻm nhỏ sâu hút khu vực Cầu Dừa trên đường Bến Vân Đồn, quận 4, không gian nhỏ của Phước Nhơn Miếu nhộn nhịp với lễ kỳ yên được tổ chức liên tục trong 2 ngày. Bên trong khuôn viên miếu, đông đảo người dân sinh sống gần đấy nghe tiếng đờn kéo nhau đến thưởng thức vở tuồng hay. Sân khấu nhỏ xíu được dựng đối diện các gian thờ cúng. Sau lưng sân khấu dã chiến là con hẻm nhỏ (lối đi lại và là chỗ để xe của các hộ dân) chỉ có vài bóng đèn điện tỏa ánh sáng yếu ớt - nhanh chóng biến thành khu vực hóa trang, thay trang phục và ngồi chờ lượt diễn của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM. Theo các nghệ sĩ, địa hình vậy là đỡ lắm rồi, có nhiều điểm diễn còn tệ hơn, ẩm thấp, muỗi mòng, tối om, không có chỗ ngồi hóa trang, chỗ sạch sẽ để thay y phục.
Nghệ sĩ Bảo Châu chia sẻ: “Vô mùa hát chầu, nghệ sĩ hát bội thường chạy 2-3 chỗ/ngày, mỗi chỗ diễn 2-3 vai, có khi về đến nhà đã 2, 3 giờ sáng; có khi 12 giờ khuya hát thì đến 4 - 5 giờ sáng mới xong. Diễn trưa thì nắng nóng, diễn đêm thì thức khuya, có khi mưa, ướt lạnh. Nhiều lúc xa nhà quá, lại diễn liên lục, anh em cũng phải tìm chỗ giăng võng ngủ bờ ngủ bụi, chợp mắt vài tiếng cho lại sức. Những lao lực đó khiến nhiều người không khỏi nhiễm sương gió cảm, bệnh. Thế nhưng thù lao thì thật sự không đủ bù các khoản chi!”. Với thâm niên 18 năm theo nghề, nghệ sĩ Bảo Châu nhận lương căn bản chưa trọn con số 5 triệu đồng/tháng, đã tính cả tiền thanh, sắc.
Đời sống của nghệ sĩ hát bội hiện nay chính là rào cản đầu tiên đối với bất cứ bạn trẻ nào có ý định muốn đến với bộ môn nghệ thuật này. Chưa kể, đây là nghề nhiều gian khó và vất vả ngay từ lúc học tập, rèn luyện. Để có thể đứng vững trên sân khấu, một diễn viên trẻ cần nhiều năm, bỏ nhiều công sức và phải đam mê mới có thể theo nghề.
Thiếu hụt trầm trọng đội ngũ kế thừa
Cả chục năm qua, nghệ thuật hát bội cứ thưa vắng dần lượng khán giả so với thời hoàng kim. Thời đại công nghệ, khán giả thích xem gì chỉ cần có một cái điện thoại thông minh trên tay là có đủ. Gần đây, nghệ thuật hát bội đi diễn ở các khu dân cư, đình, chùa, miếu cũng đã thu hút được sự quan tâm, thưởng thức của nhiều khán giả, đặc biệt có không ít khán giả trẻ đã tìm đến xem hát. Đó là tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, điều đáng lo là hát bội đang có một khoảng trống lớn thiếu hụt đội ngũ kế thừa.
Sau bao nhiêu năm nỗ lực đào tạo nghề cho dàn diễn viên trẻ, hiện tại lực lượng trẻ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM vẫn loay hoay ở con số trên dưới 15 người. Con số này cũng không ổn định vì không ít bạn trẻ vào làm thử, chịu cực không nổi đã vội chia tay. Nhiều gương mặt diễn viên đã bám trụ nhà hát trong nhiều năm cũng gồng mình không nổi nên phải bỏ sàn diễn. Thực trạng này đang làm đau đầu người làm công tác quản lý, đào tạo. Chỉ trong 3 năm qua, hơn chục nghệ sĩ của nhà hát đã nghỉ.
NSƯT Linh Hiền tâm tư: “Tôi theo nghề cũng 40 năm. Bao vất vả cũng trải qua rồi. Thật sự, nếu người nghệ sĩ không có trái tim yêu nghề đau đáu, quay quắt thì chắc chắn đã bỏ nghề từ lâu. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ các em trẻ, muốn vào hát bội cần phải hiểu nghề, phải chịu khó, phải “chịu đấm ăn xôi”. Đội ngũ kế thừa không có là một nguy cơ rất lớn của hát bội. Cần phải có chế độ cho các em trẻ theo nghề, phải nuôi dưỡng, chăm lo để các em vững tin, an tâm về cuộc sống thì mới có thể theo đuổi học và làm nghề. Chứ bây giờ, cứ đào tạo theo bậc chính quy, khi các em tốt nghiệp ra trường sẽ không chọn hát bội làm con đường phát triển. Tôi thấy đau lòng vì thực trạng hoạt động và phát triển của nghề hôm nay. Trăn trở và cũng tủi thân lắm khi nghề mình không được chú trọng bảo tồn và không được phát huy, thiếu sự sáng tạo, thu hút, hấp dẫn người xem”.
NSƯT Hữu Danh nhận định: “Tính toán thử, hiện nay hát bội còn diễn phục vụ tương đối ổn định, nhưng trong 5 năm nữa, khi hát bội không còn người thì làm sao hát được đây? Nhà hát hiện nay nhân lực đã thiếu, trong 2-3 năm tới, một số anh em nghệ sĩ kỳ cựu chính thức nghỉ hưu, rời xa sàn diễn, nhưng lực lượng bổ sung, kế thừa chưa có... Với các đoàn hát bội tư nhân, từ miền Đông đến miền Tây, người có nghề, giỏi nghề đều đã trên 55 tuổi và đa số đã ở ngưỡng 60 tuổi. 10 năm nữa thì sao múa hát nổi? Còn lứa tuổi 30 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn thế nữa, không ít anh em ra sân khấu biểu diễn, nói câu lối cũng không xong, không đúng chất bài bản hát bội. Hiện nay, các đoàn hát bội đa số là hát hồ quảng, cầm cự với cái lễ cúng chính của mùa hát chầu. Điều này lý giải nghệ sĩ hát hồ quảng thì đông, còn nghệ sĩ hát bội thì không nhiều”.
Chỉ tính trong 2 đêm 15, 16 trong tháng 2 âm lịch, đã có đến 42 đình, chùa, miếu tại TPHCM và các tỉnh phía Nam lần lượt tổ chức lễ kỳ yên, mời nghệ sĩ về hát chầu. Nhưng đa phần các suất hát đều thiếu vắng bản sắc riêng của sân khấu hát bội.
Cần cơ chế đặc biệt
Với nghệ sĩ hát bội giỏi nghề đã nghỉ hưu, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM không thể ký tiếp hợp đồng vì nhiều trở ngại. Nên chăng cần có một cơ chế đặc thù riêng dành cho những người làm nghề hát bội, nghĩa là kéo dài tuổi làm việc của những người giỏi nghề, để họ tiếp tục đóng góp.
NSƯT Hữu Danh trăn trở: “Hát bội cần thiết phải có cơ chế dưỡng nuôi và bảo tồn mang tính đặc thù: tăng lương, tăng tiền bồi dưỡng; đầu vào tuyển sinh chỉ cần bằng cấp lớp 10 thôi là được, khi vào học nghề, các em sẽ từng bước học thêm để nâng cao kiến thức… Tôi rất mong UBND TPHCM, Sở VH-TT TPHCM, Hội Sân khấu TPHCM có sự quyết tâm giữ gìn bảo vệ nghệ thuật hát bội; cần kíp có những kế hoạch, định hướng, giải pháp cụ thể, rõ ràng để giải quyết tình trạng hiện thời; phải có chiến lược lâu dài trong hoạt động tổ chức biểu diễn, đào tạo, bảo tồn những giá trị nghệ thuật quý giá của bộ môn hát bội trong đời sống xã hội hiện đại; cần gấp rút bắt tay làm ngay trong 2 năm tới để kịp thời xây dựng một lực lượng lớp trẻ kế thừa nghệ thuật truyền thống, tránh đi vào ngõ cụt - mai một một bộ môn nghệ thuật độc đáo mà bao thế hệ nghệ sĩ đi trước đã cố gắng gầy dựng, phát triển”.
Chăm lo, gìn giữ, bảo tồn một ngành nghề truyền thống là điều cần thiết phải làm. Bên cạnh việc tìm kiếm, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực kế thừa thì nghệ thuật hát bội truyền thống cũng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển làm sao cho vừa phù hợp với đời sống hiện đại, hấp dẫn khán giả. Đầu tư cả về đội ngũ sáng tác, sáng tạo nghệ thuật là tác giả, đạo diễn tuồng cổ, ngoài ra, cũng cần chăm lo cơ sở vật chất, nơi làm việc cho nghệ sĩ để kích thích niềm đam mê sáng tạo, dưỡng nuôi lửa nghề.
Nghệ sĩ Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, chia sẻ: “Hiện nay, nhà hát đang củng cố, sắp xếp lại vị trí việc làm của bộ máy nhà hát, song song đó, nhà hát cũng sẽ thực hiện kế hoạch đến các tỉnh thành để tuyển chọn gương mặt triển vọng đưa về đào tạo. Lộ trình tuyển chọn và đào tạo lớp diễn viên trẻ thế hệ kế thừa sẽ được khởi động vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, nhà hát cũng rất lo lắng, trăn trở về việc nơi ăn ở của các em khi đưa về. Khi các em về nhà hát phải có nơi ở ổn định mới an tâm tập luyện nghề. Tôi cũng mong nhà nước có cơ chế mở, chế độ ưu đãi cho nghề đặc thù như hát bội”. |