NSƯT Trần Ly Ly (ảnh), quyền Giám đốc VNOB, đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về hành trình này.
* PHÓNG VIÊN: Đã có một thời các vở diễn của VNOB luôn kín chỗ, nghệ sĩ đi đến đâu cũng nhận được sự háo hức chờ đợi. Song giờ đây, con đường tìm đến với khán giả dường như gian nan, vất vả vô cùng?
* NSƯT TRẦN LY LY: Tại Việt Nam, cách đây vài chục năm, nghệ thuật hàn lâm cũng có đối tượng khán giả của mình. Do điều kiện kinh tế, xã hội thời đó còn nhiều khó khăn, thách thức, nên sân khấu là một trong số ít hình thức nghệ thuật mà khán giả có thể tiếp cận và thưởng thức. Còn ngày nay, mọi việc đã thay đổi, mọi người có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí. Một trong những nguyên nhân khiến khán giả dần rời xa môn nghệ thuật này là bởi khán giả mất dần thói quen lựa chọn loại hình để thưởng thức.
* Có phải vì thế mà nhà hát đã xây dựng những chương trình khán giả có thể xem hát (opera), nghe nhạc giao hưởng và thưởng thức nghệ thuật múa ballet giống như chương trình Dạ tiệc âm nhạc - Around the World?
* Khi xây dựng Around the World, tôi cũng nghĩ rất nhiều. Quan trọng là phải chọn bản nhạc hay trong các tác phẩm kinh điển nào để dễ tiếp cận với đa số người dân. Chúng ta không biến đổi chiến lược nhưng thay đổi về hình thức để công chúng có thể tiếp cận được. Đây là sự mạnh dạn và hơi “liều”, vì không biết kết quả như thế nào. Phản hồi khá tốt từ khán giả chính là động lực cho con đường mà tôi và nhà hát lựa chọn.
Tuy nhiên, Around the World chỉ là một trong những con đường để tiếp cận khán giả một cách hiệu quả. Còn về sứ mệnh và tầm nhìn của VNOB, chúng tôi vẫn giữ. Đó là việc xây dựng những vở vũ kịch kinh điển mang quy mô đồ sộ như Hồ Thiên Nga chẳng hạn.
* Để làm trọn vẹn một vở vũ kịch với 4 màn là vô cùng tốn kém và vất vả, không phải chỉ tập 3 ngày, 5 ngày là có thể diễn được. Liệu có quá liều khi bắt tay thực hiện vở diễn với sự đầu tư lớn về nhân lực cũng như tiền bạc như vậy?
* Để xoay xở thực hiện các tác phẩm lớn, làm cho ra tấm ra món, thực sự không đơn giản. Nhưng đó vẫn chưa phải việc khó nhất, mà cái khó chính là làm sao có thể thuyết phục, lôi kéo được các nghệ sĩ toàn tâm toàn ý cho vở diễn; làm sao khuyến khích người nghệ sĩ sáng tạo, chuyên tâm nhiệt huyết theo đuổi, cống hiến cho nghệ thuật, đó là bài toán khó giải. Cơm, áo, gạo, tiền, buộc nghệ sĩ phải “chạy sô”, đi dạy thêm…
Ở đây, phải tập đến tét chân, chảy máu cũng chỉ có 200.000 đồng thù lao; nhưng chúng tôi phải khơi dậy tình yêu, sự đam mê, cống hiến của nghệ sĩ bằng chính sự tự hào khi được cùng làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp. Nghệ sĩ đều hiểu, chỉ khi làm việc trong môi trường nhà hát mới có cơ hội để làm những tác phẩm lớn.
Đó là khác biệt lớn nhất mà người nghệ sĩ nào cũng luôn ao ước và hết lòng vì nó. Nhưng cơm áo không đùa với nghệ sĩ, vì thế yêu và tâm huyết lắm nhưng thi thoảng anh chị em vẫn phải lén chạy sô. Cùng với việc đưa ra những quy định để đảm bảo kỷ cương luyện tập, đôi lúc chúng tôi buộc phải “mắt nhắm mắt mở”.
* Và tới thời điểm này, có thể nói rằng đó là quyết định đúng khi mà các buổi diễn của Hồ Thiên Nga luôn trong tình trạng “cháy” vé?
* Đúng vậy. Vở Hồ Thiên Nga được biểu diễn nhiều trong những năm gần đây, nhưng phần lớn là chỉ diễn trích đoạn. Lần đầu tiên vở này được các nghệ sĩ VNOB dựng đã cách đây hơn 20 năm, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Việc dựng ballet Hồ Thiên Nga phiên bản Việt đầy đủ này là một quyết định “táo bạo”, bởi vở diễn không chỉ đòi hỏi đầu tư về tiền bạc mà còn đòi hỏi sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát.
Ballet Hồ Thiên Nga của Việt Nam sẽ không để so sánh với các phiên bản khác, mà nhằm đánh dấu một chặng đường nỗ lực vươn đến nền nghệ thuật bác học của thế giới. Với sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài, sự hòa quyện và ăn ý của dàn nhạc cũng như các vũ công đã cống hiến cho khán giả một vở diễn thăng hoa của cảm xúc.
* Đây chính là tín hiệu khiến những người làm nghề vững tin để tiếp tục hành trình đưa nghệ thuật “khó tính” này đến với khán giả?
* Tôi còn nhớ, hồi mới về nước, tôi chỉ chăm chăm làm các tác phẩm kinh điển nguyên bản như những gì học trong nhà trường. Rồi tôi nhận ra, làm tác phẩm trí tuệ mà không ai thừa nhận thì cũng vô nghĩa. Bây giờ tôi đứng ra xa hơn, nhìn rộng hơn và thấy rằng mọi thứ đều có thể linh hoạt. Quan trọng là cái đích, còn đường đi có thể dài hơn, miễn là đến nơi. Thay vì khư khư giữ cái cũ, chúng ta cần tìm sự dung hòa. Chúng ta có thể hòa nhập với xã hội mà vẫn giữ được bản sắc riêng.
Theo tôi, điều đầu tiên nên làm là thúc đẩy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm từ nhà trường, nhưng đây là giải pháp dài hạn. Còn hiện nay cần sáng tạo ra những sản phẩm thu hút khán giả nhưng vẫn giữ được nét kinh điển của nghệ thuật hàn lâm.
Nếu khán giả chưa đến với mình, thì mình chủ động đến với khán giả. Chỉ một chút thôi, đủ để người ta hiểu được một phần của nghệ thuật hàn lâm, chứ kéo dài cả vở khiến khán giả bị quá tải và nhàm chán. Cần tạo nên thói quen và sự tò mò trong thưởng thức.