Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 01/2016 của Bộ VH-TT-DL, nghệ thuật đường phố là một trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Do đó, các vấn đề liên quan đến nghệ thuật đường phố hiện đang chịu sự điều chỉnh bởi Nghị định 79/2012, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 15/2016. Một trong những quy định quan trọng được nêu trong các văn bản pháp lý này là việc xin cấp phép biểu diễn.
Khoản 1 Điều 12 Nghị định 79/2012 quy định tổ chức biểu diễn nhằm mục đích phục vụ nội bộ hoặc biểu diễn tại các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát không bán vé thu tiền xem biểu diễn thì không phải đề nghị cấp giấy phép, nhưng phải thực hiện theo các quy định có liên quan tại Điều 7 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn. Theo đó, phải thực hiện thủ tục thông báo đến Sở VH-TT-DL.
Người tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc để hát, người biểu diễn đã thực hiện quyền biểu diễn tác phẩm thuộc độc quyền của chủ sở hữu được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ: phải xin phép và trả nhuận bút, thù lao hoặc quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu.
Tương tự, khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình thuộc sở hữu quyền liên quan của người khác, người sử dụng cũng phải trả quyền lợi vật chất theo quy định tại Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ.
Một số trường hợp rất hạn chế, người sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút thù lao, như biểu diễn nghệ thuật trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên tuyền cổ động, nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.