Có 177 phòng trưng bày nghệ thuật từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tham gia hội chợ, giới thiệu các tác phẩm hiện đại và đương đại.
Đại diện Việt Nam là phòng tranh Vin Gallery, với các tác phẩm của nghệ sĩ Ngọc Nâu. Việc chỉ có 1 đại diện Việt Nam trong sự kiện này là do quy định từ ban tổ chức: mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ có 1 gian hàng trưng bày, trừ những nghệ sĩ, hay các đơn vị nghệ thuật được ban tổ chức mời riêng.
Sự kiện Art Basel thường diễn ra trong khoảng 1 tuần, ước tính chi phí để tham dự gồm: vận chuyển, tổ chức gian hàng, sự kiện, đi lại cho nghệ sĩ… khoảng 5-6 tỷ đồng.
Art Basel được xem là sự kiện nghệ thuật đương đại lớn nhất khu vực châu Á, nghệ sĩ cũng như tác phẩm trưng bày được giám tuyển đưa ra các tiêu chí lựa chọn rất cao. Cũng vì thế, việc các đơn vị nghệ thuật tham gia sự kiện Art Basel được xem như một cách để “điểm danh” và kết nối nghệ thuật nhiều hơn là thương mại.
Họ trưng bày tác phẩm như một cách để khẳng định tên tuổi của đơn vị mình, cũng như tiềm lực đội ngũ nghệ sĩ và tác phẩm độc đáo, khác biệt, thậm chí là tạo ra xu hướng thực hành sáng tạo mới chứ hoàn toàn không phải đến để bán tranh hay tượng.
Việc tham gia Art Basel 2023 hay sự kiện thương mại nghệ thuật nào khác, cũng là cách để các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ và tác phẩm trong nước thử sức mình với thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp và tầm vóc. Ở đó, họ có thể giao lưu, tiếp cận các khuynh hướng sáng tạo mới…, từ đó có cơ hội định vị năng lực sáng tạo, vị trí của nghệ thuật trong nước, góp phần đưa nghệ thuật đương đại trong nước phát triển sánh ngang với thế giới.
Đặc biệt, những hội chợ lớn như Art Basel thu hút rất nhiều khán giả và nhà sưu tập trên thế giới tham dự, việc có tác phẩm giới thiệu cũng là cách nghệ thuật Việt Nam được biết đến nhiều hơn.
Nhưng đường dài phải tính từ hôm nay, nghệ thuật đương đại thường có khoảng cách nhất định với thương mại và thị trường, nên chi phí hoạt động rất tốn kém, luôn là vấn đề lớn của các không gian nghệ thuật. Việc tham gia các hội chợ là cần thiết nhưng chi phí cao, trong khi khả năng thu hồi vốn từ việc bán tác phẩm trong hội chợ rất thấp nên rất ít phòng tranh ở Việt Nam dám mạnh dạn tham gia. Để có thể nâng tầm nghệ thuật Việt, những trợ lực cho nghệ thuật đương đại trong nước luôn là điều được những người làm nghệ thuật trông đợi, nhất là những hỗ trợ cho việc tham gia các sự kiện lớn.