1. Đầu tháng 8, tại Học viện Mỹ thuật (Nanyang), Singapore, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trần Ưu Đàm chia sẻ về tác phẩm dép ECO-ĐI, cùng 13 chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo và học thuật đến từ nhiều quốc gia ở châu Á. Đây là tác phẩm được anh lấy cảm hứng từ thực tế cấp bách của việc bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển. Tác phẩm dép ECO-ĐI được trình bày ở định dạng linh hoạt với video, hình ảnh… và kết hợp 6 tính năng nghệ thuật trong một tác phẩm như: nghệ thuật ý niệm, chạm nổi điêu khắc, nghệ thuật ứng dụng, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật can thiệp và nghệ thuật quảng cáo.
Nghệ sĩ Ưu Đàm chia sẻ: “dép ECO-ĐI tác động đến công chúng một cách nhẹ nhàng để thay đổi thói quen của công chúng về ý thức bảo vệ môi trường. Khi chúng ta đi bộ với tác phẩm dép ECO-ĐI, hàng tỷ thông điệp là các dấu chân sẽ được “điêu khắc” trên cát khắp thế giới, tạo ra một tác động lớn và dẫn đến một hành tinh không còn rác. Cảm hứng sáng tạo đến từ một điều rất đơn giản thôi, chúng ta là công dân trên thế giới đang cùng du hành trên con tàu vũ trụ trái đất, chúng ta hãy giúp nhau làm gì đó tốt hơn cho môi trường sống của con tàu này, cho thế hệ tương lai”.
2. Hai sự kiện nghệ thuật đương đại hàng đầu thế giới Documenta 15 và Berlin Biennale 12, cùng diễn ra tại Đức đến hết tháng 9 năm nay, đều có sự góp mặt của nghệ sĩ và giám tuyển Việt Nam như: nhà điêu khắc Đào Hải Châu, giám tuyển Đỗ Tường Linh, nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi…
Giới chuyên môn và các nhà sưu tập nhìn nhận, đây là dấu mốc quan trọng cho nghệ thuật đương đại trong nước, bởi uy tín và sức hút truyền thông từ 2 sự kiện này rất đáng kể. Các giám tuyển của sự kiện sẽ giới thiệu một số nghệ sĩ hoạt động độc lập, phần lớn quá trình sáng tạo tác phẩm không bị chi phối bởi yếu tố thương mại thị trường và ràng buộc từ các nhà sưu tập. Và sau các sự kiện này, thường là những thay đổi lớn về mặt cảm hứng, chất liệu trong sáng tạo tác phẩm với đông đảo nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại trên toàn thế giới.
Góp mặt trong sự kiện Berlin Biennale 12 (Triển lãm lưỡng niên Berlin lần thứ 12), nhà điêu khắc Đào Hải Châu để lại ấn tượng cùng bạn bè quốc tế qua tác phẩm Ballad Biển Đông. Tác phẩm là quá trình sáng tạo 10 năm của nhà điêu khắc theo lối tư duy hình thức và ý niệm nội dung liền mạch.
Nói về cảm hứng sáng tạo tác phẩm, nhà điêu khắc Đào Hải Châu chia sẻ: “Qua chuyến hải trình dài ngày tôi suy nghĩ nhiều về lịch sử di cư của những người Việt cổ, ngàn năm trước họ vào đất liền bằng đường biển. Chúng ta là một quốc gia giáp Biển Đông, khu vực này hiện có nhiều vấn đề thời sự về chủ quyền biển đảo, tất cả tạo nên nguồn cảm hứng để tôi suy nghĩ và hình thành ý tưởng về Ballad Biển Đông”.
3. Có thể thấy sự thành công của nghệ sĩ Việt Nam ở những sự kiện quốc tế khi sử dụng nguồn cảm hứng sáng tạo đến từ những điều quen thuộc nhất trong cuộc sống thường ngày. Nghệ thuật đương đại đôi khi không cần phải quá cách biệt để tạo cho mình sự khác biệt, mà chính những cảm hứng hiện thực phản ánh tinh thần đương đại.
Nghệ thuật đương đại có khoảng cách nhất định với tính thương mại thị trường, cùng số đông công chúng là thực tế phải chấp nhận, khi thẩm mỹ cộng đồng trong thưởng thức nghệ thuật vẫn chưa đồng đều. Cái đẹp trong mắt mỗi người mang một định nghĩa khác nhau và tác phẩm dù đương đại hay ở mốc thời gian nào khác hẳn cũng không thể xa rời thực tế.
Nói như một khán giả thường xuyên theo dõi các triển lãm đương đại tại Việt Nam - anh Ngô Tùng Châu (nhà sưu tầm): “Nếu đi đến cuối cùng, cái đẹp không phản ánh được hơi thở thời đại, không mang dấu ấn nhịp sống thường ngày thì cũng chỉ là một cái đẹp đầy xa cách, khó hiểu… Và khi nghệ thuật mang tính xa cách và không có công chúng, thì lúc đó nghệ thuật chỉ mang tính… trang trí”.