Kén người xem
Trong một buổi hòa nhạc cách đây không lâu tại quận 7, TPHCM, khán giả được hòa mình trong thế giới âm nhạc kinh điển châu Âu qua chương trình biểu diễn của những nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Họ biểu diễn, tái hiện tư tưởng và tinh thần của những nhà soạn nhạc thiên tài như Beethoven, Schumann, Rachmaninov, Chopin, Liszt… Thế nhưng, quan sát kỹ, khán giả chủ yếu vẫn là người thân, bạn bè của các nghệ sĩ trẻ. Thật khó tìm người vì muốn thưởng thức âm nhạc mà đến.
Tuy nhiên, vẫn có những chương trình thu hút người xem thực sự, như chương trình Hòa nhạc Toyota. Suốt khoảng 20 năm qua, đây là chương trình hòa nhạc lưu diễn ấn tượng, giàu cảm xúc, được chào đón nồng nhiệt, góp phần tích cực phổ biến nền âm nhạc bác học tới đông đảo người yêu âm nhạc.
Còn ở Nhạc viện TPHCM, đã có những đêm nhạc hàn lâm kín chỗ. Đó là những buổi biểu diễn âm nhạc cộng đồng của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Sài Gòn (SPYO), luôn tiếp cận các khán giả trẻ bằng những bản nhạc giao hưởng “ai nghe cũng biết” với phong cách trẻ trung hơn, dù tần suất biểu diễn 2 năm qua không nhiều. Ngoài những chương trình ở nhà hát, sân khấu, các chương trình riêng tư được tổ chức ở nhà hàng, khách sạn cũng mời cả dàn nhạc giao hưởng vào biểu diễn tác phẩm kinh điển.
Anh Nguyễn Huy Cường (32 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 10) cho biết: “Từ nội dung âm nhạc, nghệ sĩ đến không gian biểu diễn… rất tuyệt vời. Chưa kể, khán giả lại lịch sự, tinh tế, không ồn ào như đi xem các chương trình biểu diễn ca hát thông thường”. Trong khi đó, chị Võ Thị Ánh Ngọc (29 tuổi, ngụ quận 5) lại chia sẻ: “Mỗi người có gu thưởng thức âm nhạc khác nhau. Tôi thích nhạc trẻ, các sự kiện âm nhạc thị trường sôi động. Còn các chương trình nghệ thuật đỉnh cao luôn thiên về tính học thuật, khó nghe, khó cảm nhận, chưa kể giá vé cũng không hề thấp”.
Nghệ sĩ violin Sơn Mạch cho biết: “Khán giả Việt ngại cái gọi là “hàn lâm”, “cổ điển”, “nghệ thuật đỉnh cao”... Đối với người bình dân, họ chỉ xem phim, lướt mạng xã hội để cười cho quên nhọc nhằn. Khó có thể ép được hết tất cả mọi người thưởng thức nghệ thuật hàn lâm”. Tuy nhiên, anh cho rằng, cộng đồng thưởng thức nghệ thuật hàn lâm ở TPHCM hiện nay đã có. Với một số người mộ điệu thì không cần phải bàn, họ tự tìm cho mình giải pháp để có thể thưởng thức.
Nhiều rào cản
Hiện nay, tại TPHCM, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ Kịch TPHCM (HBSO), Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhạc viện TPHCM, Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn (SPO), Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Sài Gòn (SPYO)... là những đơn vị luôn có các chương trình, hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao về âm nhạc, múa nghệ thuật hàn lâm. Tuy nhiên, số lượng chương trình biểu diễn không nhiều vì kén khán giả. Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật công lập chuyên về nghệ thuật hàn lâm hiện nay tại TPHCM luôn gặp khó khăn vì thiếu cơ sở vật chất, thiếu một nhà hát của riêng mình, có thể đáp ứng được các yêu cầu tổ chức biểu diễn cơ bản nhất (sân khấu, khán phòng, ghế ngồi, bãi giữ xe, hệ thống âm thanh, ánh sáng...) để có thể lên lịch tổ chức biểu diễn định kỳ. Bên cạnh đó còn có nỗi lo kinh phí để thực hiện các chương trình nghệ thuật mang tính quy mô.
NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, cho biết, HBSO duy trì tổ chức chương trình Giai điệu mùa thu theo kế hoạch 2 năm/lần và cố gắng tổ chức biểu diễn trong năm 2021 như kế hoạch. “Tôi nghĩ, về lâu dài, cần thiết phải đưa nghệ thuật hàn lâm vào giáo dục văn hóa nghệ thuật ở các cấp học, phải làm xuyên suốt thì mới có kết quả mang tính nền tảng, lâu dài”.
Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen nhiều năm qua ít tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật vì không có một nhà hát đủ tiêu chuẩn. NSND Đặng Hùng, nguyên giám đốc nhà hát, trăn trở: “Khi không có điểm diễn ổn định, nhà hát chủ động xây dựng chương trình như Sen, Vũ, Sen đào khoe sắc, chương trình của đoàn múa Những Ngôi sao nhỏ, các chương trình theo chủ đề, tham gia hội thi hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp… rồi thuê sân khấu Nhà hát thành phố để biểu diễn. Tuy nhiên, vì nguồn kinh phí hạn hẹp và những khó khăn chủ quan lẫn khách quan, nhà hát chỉ có thể thực hiện 1-2 chương trình/năm”.
Về thế hệ nghệ sĩ trẻ, NSND Đặng Hùng nhận định, vẫn luôn có, nhưng điều kiện làm nghề, phát huy tài năng, kiến thức, chuyên môn lại quá hạn chế. “Điều này khiến loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính hàn lâm khó có cơ hội tiếp cận khán giả, đồng thời không phát huy hết năng lượng và sức sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ trẻ. Chính sự đầu tư không tới và chưa được chú trọng khiến các loại hình nghệ thuật hàn lâm cả của Việt Nam và quốc tế không được đầu tư chăm sóc và phát huy, từ đó dẫn tới không thể tiếp cận khán giả, nhất là với khán giả trẻ”, ông nói.
Và để kiến tạo, hình thành lớp khán giả biết thưởng thức nghệ thuật thì các nhà hát, đơn vị nghệ thuật công lập chuyên về nghệ thuật hàn lâm cũng cần phải “thay áo” tiếp cận công chúng, như lời của khán giả Văn Dần (quận 1): “Món ăn cũ ăn mãi cũng chán. Nghệ thuật cũng vậy, dù là hàn lâm hay thường thức thì cũng cần thay đổi thường xuyên để người dùng không ngán”.
"Nghệ thuật hàn lâm không có khoảng cách với công chúng, mà chính công chúng tạo khoảng cách với nó. Nếu muốn người Việt mình nghe nhạc hàn lâm nhiều hơn, có thể dùng dàn nhạc giao hưởng hòa tấu lại nhạc Việt, làm cho khán giả thích và tò mò, tìm hiểu. Ngoài ra, ở môi trường giáo dục, nhất là tiểu học, nên cho các em tiếp cận sớm với loại hình này, những mô hình đơn giản như tứ tấu đàn dây, cho đi nghe giao hưởng các bài nhạc như nhạc phim, nhạc hoạt hình, nhạc thiếu nhi, nhạc dân ca hoặc các bản hit V-Pop… được chuyển thể cho dàn nhạc giao hưởng" - Nghệ sĩ Sơn Mạch |