Lẫn giữa những âm thanh quen thuộc của đời sống đường phố cùng mùi thơm vừa nghe đã đói bụng của mấy tiệm cơm tấm, là nỗi buồn nặng trĩu. Một nỗi buồn quen thuộc khi thời gian dần trôi về những ngày cuối năm, tờ lịch trong nhà cứ thưa dần, người vô tư lắm cũng chợt nhận ra “năm nay, ăn tết thế nào?”… Nồi cơm tấm hết sạch, tủ thức ăn chỉ còn dư vài miếng chả, cô Lan (ngụ quận 3) cũng chẳng buồn dọn dẹp, đếm đi đếm lại tiền trong túi, cô thở dài: “Có lời mà ít quá, giảm hơn một nửa so với hồi trước dịch, kiểu này chỉ đủ lo tiền học hành cho tụi nhỏ, chứ về quê nữa thì eo hẹp quá”…
Đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), con đường chuyên bán phụ kiện theo mùa lớn nhất nhì thành phố cũng thở dài… Mùa lễ hội cuối tháng 10 vừa qua, tiểu thương lắc đầu, khách mua trực tiếp hay online đều giảm hơn một nửa. Phụ kiện trang trí Giáng sinh cũng đã lên kệ, nhưng chú Hoài (53 tuổi, chủ một cửa hàng phụ kiện trang trí) chẳng mấy tươi cười: “Cũng không có mấy khách hỏi thăm, chứ năm ngoái giờ này là lo giao hàng không kịp rồi”.
Một năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch kéo dài, nỗi buồn của cô Lan hay chú Hoài cũng là nỗi buồn chung của không ít người ở thành phố những ngày này. Những tháng cuối năm, người ta như chạy đua với thời gian, người làm văn phòng thì bận rộn báo cáo, tổng kết, người lao động chân tay thì cố kiếm thêm chút nữa… Nhưng nhịp sống vừa trở lại sau dịch thì “chút nữa” cũng không được là bao. Và với người lao động kiếm cơm từng ngày thì chuyện tết nhất có vẻ còn xa lắc; bán vé số, mua ve chai… mấy ngày này được đi làm lại, đủ bữa cơm đắp đổi là mừng.
Người ta hay nói rằng thành phố trẻ, nơi nhịp sống cứ sôi động như một thương hiệu, ngày cũng như đêm, người muốn đi chơi, không thiếu điểm hẹn hò; người mưu sinh thì góc đường nào cũng có thể đặt một gánh xôi, xe bánh mì, hay chịu khó cuốc bộ vài con đường thì xấp vé số cũng đủ kiếm cơm… Lắng đọng đâu đó, giữa những nhịp đời huyên náo là câu chuyện tảo tần của bà mẹ, ông bố quê tận miền Trung, hay chị công nhân quê ở miệt Tây Nam bộ, mỗi bận nhớ nhà lại mở cải lương.
Có người đã về quê trong những đợt hỗ trợ đưa người về các địa phương, người vẫn cố trụ lại thành phố với hy vọng “cày cuốc” lại sau dịch, chứ về quê cũng chẳng biết làm gì… Những ngày cuối năm nay, có lẽ đâu đó trong thành phố lại có nhiều người chẳng kịp về quê, vì các tỉnh thành khác đang áp dụng một số biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch. Người thì gác lại nỗi nhớ nhà bởi tiền nong eo hẹp, chẳng lẽ tết mà lại về tay không, thôi thì hẹn lại sang năm…
Thành phố vẫn ở yên đó thôi, người ta nhớ nơi này không hẳn phải cụ thể góc phố hay con đường nào đó, mà đúng hơn là nhớ cái không khí rộn ràng, hối hả qua mỗi con đường trong thành phố. Để rồi phút thảnh thơi nào đó, “nghe thành phố thở” (lời bài hát Thành phố tình yêu và nỗi nhớ - thơ Nguyễn Nhật Ánh, nhạc Phạm Minh Tuấn), thấy thương hơn những câu chuyện đời dung dị, tảo tần. Nơi người ta đến gửi gắm giấc mơ học hành thành tài, chắt chiu từng chút để lo cho gia đình, hay dạo chơi để biết cái náo nhiệt về đêm của đô thị không ngủ…
Năm nào thì tết cũng đến thôi, nhưng cái tết sau đợt dịch Covid-19 kéo dài, đâu đó ắt sẽ có những giọt nước mắt len lén rơi vì nhớ nhà nhưng đành phải hẹn sang năm… Và thành phố năm này, mang thêm chút nỗi nhớ của người xa quê.