
Không chỉ là một album ca nhạc đơn thuần, “Suối mơ” (* ) là cuốn phim tự sự về người nhạc sĩ, về những tác phẩm bất hủ của ông. Ví như những lời ông tâm sự trong “Buồn tàn thu”, sáng tác năm 16 tuổi: Có lẽ cuộc đời sinh ra tôi ở mùa thu, những ngày sinh nhật của tôi vào mùa thu và không hiểu tại sao mình chịu ảnh hưởng nhiều những bài thơ về mùa thu. Bản thân tôi, mùa thu có một cái ngoài cái ấm của nó, cái se lạnh của nó vào cuối mùa thì những cái ngày người ta gọi là nhiều tưởng tượng nhất.

Nhạc sĩ Văn Cao
Với “Thiên thai” sáng tác năm 1940, sau một chuyến du ngoạn về Bản “Thiên thai”, ông nói: Tại sao tôi nói thiên thai bởi vì đó là một nơi, một cõi nào đó người ta coi như cát cứ mà cát cứ ấy không ai tìm được trên thế gian này. Tìm mãi trong hoài niệm của mình tuổi thanh niên thì nhớ rằng có lần tìm ra được…
Sáng tác này của ông nói lên giấc mơ an bình của một người nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ. Một “Trương Chi” được ông viết “với cái tình cảm mình chỉ có một mình không thể xứng với cái thứ quá mơ mộng, cuộc đời không đạt được”.
Mỗi ca khúc là một lời tâm sự, chính vì thế đạo diễn Đinh Anh Dũng đã rất biết cách lồng những hình ảnh đẹp, những cảnh quay đầy ý nghĩa để làm bật lên những tâm tư của người nhạc sĩ. Một làng quê yên bình với con đò nằm gối bãi chờ khách; một góc phố cổ rêu phong; Hình ảnh người nhạc sĩ chống chiếc gậy đi lang thang trong ráng chiều, trong ánh trăng vằng vặc…
“Suối mơ” chiếm trọn những sáng tác ghi dấu ấn trong cuộc đời của nhạc sĩ Văn Cao, đó là 12 ca khúc: Cung đàn xuân, Suối mơ, Buồn tàn thu, Thu cô liêu, Làng tôi, Trương Chi, Bến xuân, Tình ca trung du, Thiên thai, Ngày mùa, Mùa xuân đầu tiên, Sông Lô cùng với tiếng hát của các ca sĩ Ánh Tuyết, Lan Ngọc, Thu Hà, Hồng Nhung, Cao Minh, Thùy Dương, Thanh Thúy, Tam ca Áo Trắng…
Nhạc sĩ Văn Cao còn được ví như một họa sĩ dùng âm nhạc để vẽ lên tâm tư của chính mình, như tâm sự của chính ông khi bước vào “Suối mơ”: Có nhiều buổi sáng, con người khi hết một giấc mơ lại tiếp tới thấy một giấc mơ khác, những giấc mơ dù không có thật nhưng nó lại đem lại cho mình mường tượng tới những ngày mình sống cũ, nghĩ lại mà nó vẳng lại những tiếng nói của kỷ niệm, đôi lúc kỷ niệm cứ đeo đẳng và không thể quên, những cái đó là những năm tháng tôi tìm được ra những điều mà tôi đã mất đi trong những ngày trẻ tuổi của tôi…
(*) Hãng phim Trẻ phát hành
HÀ GIANG