Vai diễn hay và cực nhất
Trong Ma da, Việt Hương vào vai Lệ - người phụ nữ vì lý do đặc biệt nên quyết định theo nghề vớt xác. Cũng bởi vai diễn đặc thù này, từ quá trình chuẩn bị cho đến khi ra phim trường, Việt Hương đã trang bị cho mình rất nhiều kỹ năng nhằm đảm bảo và đáp ứng các yêu cầu của đoàn phim.
Nói về quá trình chuẩn bị cho vai diễn, chị cho biết: “Tôi phải làm từng bước, từ việc đi nhuộm da cho nâu, rám nắng trước để hoàn thiện vẻ bề ngoài. Những gì không biết, mình phải học: dáng đi, cách mặc đồ, điều khiển vỏ lãi... cũng phải tập hết. Tôi còn phải kiếm một người thật giỏi chỉ cho mình cách lặn ở sông ra sao, vì nó khác hẳn với lặn trong hồ. Sau đó, tôi tìm kiếm và gặp gỡ 2 người chuyên làm nghề vớt xác. Họ chỉ cho tôi tất cả mọi thứ, từ các nghi thức về tâm linh, cách cảm nhận con nước, sử dụng các dụng cụ... Tất cả đều phải học, mất một thời gian dài, không phải một sớm một chiều”. Chị còn khoe, hồi đầu mới học chỉ lặn được chừng 17-18 giây, nhưng đến cuối phim đã lặn được hơn 50 giây.
Chị biết rõ, khi ê-kíp chọn lựa mình đã phải cân nhắc rất nhiều và xem xét có phù hợp với vai diễn hay không. Chính chị cũng từng đặt ra những hồ nghi, lo lắng không biết mình có làm được hay không. Việt Hương thừa nhận, bản thân từng diễn vai người câm, đánh võ, bi kịch…, nhưng với vai diễn trong Ma da, chị không có một chút chất liệu hay kinh nghiệm nào liên quan đến sông nước.
Khi quyết định “làm tới luôn”, chị gạt những lo lắng sang một bên và chấp nhận những thử thách cực độ. Có những ngày chị phải ngâm mình suốt 13 tiếng dưới nước, cái lạnh càng tăng lên gấp bội khi thực hiện cảnh quay về đêm. Quay 35 ngày tại Cà Mau chưa đủ, ê-kíp còn quay bổ sung tại Cần Giờ. Có những ngày vì dòng nước lớn, đoàn phim quay ngay ở ngã ba sông, ê-kíp phải cột dây vô bụng chị để lỡ có chuyện gì thì mọi người kịp kéo lên.
Nhưng điều khiến Việt Hương sợ nhất là phải làm việc với những cái xác giả. Đạo cụ này là một ma-nơ-canh được chuẩn bị kỹ lưỡng với chất liệu giống với người bị chết đuối. Dù đã được chuẩn bị tâm lý nhưng mỗi lần xuống nước, chạm vào cái xác cộng với việc phải quay đi quay lại rất nhiều lần vẫn khiến chị rùng mình.
Kết quả của nhiều ngày làm việc cực độ như thế khiến chị bị bào mòn cả về thể xác và tinh thần. Chuyện bị ghẻ, ngứa là cơm bữa. Vì ngâm nước quá lâu, dây thần kinh số 7 của chị bị co rút khiến cơ mặt bị ảnh hưởng. Về mặt tâm lý, ngay ngày thứ 2 quay phim, chị đã rơi vào tình trạng stress khi luôn nghĩ mình là nhân vật, không thể thoát vai. Đoàn phim từng đề nghị đốt bỏ căn nhà được dựng bằng tre lá của nhân vật trong phim để chị quên đi bối cảnh này.
“Khi hoàn thành các cảnh quay, tôi phải tự trấn an, động viên mình cứng rắn lên, ngưng suy nghĩ để thoát vai. Tôi kiếm cái gì đó làm, hoạt động theo bản thân mình, không thể hành động, cư xử theo “bà Lệ” nữa”, chị chia sẻ.
“Khát” vai diễn đột phá
Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Cứ vai hài, mọi người sẽ nghĩ đến Việt Hương”. Nhưng, nếu nhìn lại sự nghiệp đóng phim đúng 10 năm về trước, chị cũng có một vai bi để lại không ít cảm xúc cho khán giả. Đó là vai Lùn - một cô gái bị tâm thần, rơi vào cảnh chửa hoang trong Đời như ý (đạo diễn Vương Quang Hùng).
“Từ đó, cứ có những vai khó, nghèo khổ, mù, câm điếc…, người ta nghĩ đến mình. Những vai giàu sang, phú quý nhưng xàm, hài người ta cũng kiếm tôi. Nhưng những vai diễn đột phá để khán giả có thể nhìn thấy được sự nỗ lực của người diễn viên, vai diễn để đời chẳng hạn, lại chẳng có ai nhớ đến mình. Chắc biên kịch hoặc nhà sản xuất thấy mình không phù hợp”, chị tâm sự. Đó cũng là lý do, với Ma da, chị nhất quyết nhận lời, dù không giấu diếm: lần sau nếu ai mời dạng vai kiểu này nữa, “tôi sẽ né liền chứ đuối quá rồi”.
Năm 2024 là một năm đặc biệt với Việt Hương. Bởi, ngoài vai diễn đang được chờ đón, chị cũng lấn sân kịch nghệ trong vai trò mới. Sau 30 năm làm nghề, đứng trên sân khấu không biết bao nhiêu vở diễn, từng hỗ trợ dàn dựng một số vở kịch nhưng lần đầu tiên, cái tên Việt Hương xuất hiện trong vai trò đạo diễn, đồng tác giả kịch bản vở kịch thiếu nhi Mễ cốc phiêu lưu ký.
Với chị: “Khi làm diễn viên, tôi có thể ngồi đó để mọi người bới cho mình một tô cơm với rất nhiều món, ăn cho có sức để diễn. Nhưng khi làm đạo diễn, mình phải biết cân đo đong đếm, lùi lại để xem mọi người có gì ăn, ăn đủ chưa. Nếu chưa, tô cơm này mình cũng nhường cho mọi người trước. Làm đạo diễn, tôi không lo cho vai diễn của mình nữa, mà lo cho tất cả mọi người”.
Vở kịch này cũng có thể xem là lời tri ân chị gửi đến khán giả thay cho một liveshow kỷ niệm 30 năm hoạt động nghệ thuật. Chọn làm nhà sản xuất, đóng vai nho nhỏ và dành đất cho các bạn trẻ được tỏa sáng cũng là điều chị tâm niệm. Được biết, kinh phí đầu tư cho vở kịch này lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Có sự nghiệp viên mãn, gia đình hạnh phúc và công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, không ít người từng chia sẻ: nếu bây giờ Việt Hương dừng lại “cũng trọn vẹn rồi”. Tuy nhiên, chị thừa nhận bản thân vẫn còn rất mê nghệ thuật và đặc biệt, vẫn được khán giả rất thương. Nhắc đến đây, chị không giấu được cảm xúc bởi trong quá trình quay Ma da, chị cảm nhận hết được cái tình khán giả dành cho mình. Những cảnh quay phải nhảy xuống nước, người dân đứng trên bờ thương, sợ chị nhiễm lạnh nên liên tục nói: “Dưới sông lạnh lắm, lên chị nấu cơm cho ăn. Ăn cơm với khô ngon lắm. Ăn cho nó ấm”.
Sau Ma da, Việt Hương hứa hẹn sẽ có một dự án điện ảnh mới chuẩn bị bấm máy nhưng chưa thể tiết lộ gì nhiều. “Tôi muốn một vai diễn đánh vào tâm lý nhiều hơn cực cái thân. Như vậy mình mới được đã cái nư, thỏa cái máu nghề của mình, chinh phục được những thử thách”, Việt Hương trải lòng.