Đêm diễn mới đây của Vân - Ánh Võ và Blood Moon Orchestra dù không chật kín khán giả nhưng những người có mặt đã ngồi đến tận cuối chương trình.
Âm nhạc dân tộc Việt đã thăng hoa cùng với rap, break dance, các nhạc cụ hiện đại, vượt khỏi những giới hạn của Hip-hop và World music để tạo ra một không gian âm thanh độc đáo và ấn tượng. Ở đó, dẫu chưa có sự hoàn hảo nhưng đã không còn ranh giới, tất cả dành chỗ cho sự bay bổng, thăng hoa của cảm xúc.
Sau đêm nhạc, Vân - Ánh Võ đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về việc lựa chọn theo đuổi dòng nhạc dân tộc và đưa nó đi xa hơn đến bạn bè quốc tế.
* PHÓNG VIÊN: Sau đêm diễn, cảm xúc của chị như thế nào?
- Nghệ sĩ VÂN - ÁNH VÕ: Thực sự mọi thứ rất xáo trộn. Nhưng điều hạnh phúc nhất là sự hứng khởi vẫn còn vẹn nguyên giống như mình vẫn đang được thăng hoa cùng các bạn diễn trong không khí tuyệt vời của khán giả. Khi đêm nhạc kết thúc mình cảm thấy không biết có nên chơi tiếp một giờ đồng hồ nữa không. Nhưng rồi, chính bản thân tự nhủ, sẽ để dành cơ hội đó cho những lần tiếp theo.
* Cơ duyên nào đưa chị đến với World music cùng niềm đam mê đặc biệt dành cho các nhạc cụ dân tộc?
- Tôi nghĩ đó là con đường thú vị. Tôi sinh ra vào thời điểm đất nước vừa thống nhất. Khi còn chiến tranh, ba tôi đi bộ đội nhưng thay vì cầm súng chiến đấu ông quyết định trở thành viên của các đoàn văn công, là người chơi đàn guitar, dù ông chơi khá dở. Khi trở về, ông quyết định theo học tại Nhạc viện Hà Nội và phát hiện mình cũng có năng khiếu về âm nhạc. Sau này, ông về công tác tại Nhà hát Ca - Múa - Nhạc Việt Nam. Ba chính là người dạy tôi những nốt nhạc đầu tiên.
Vào một ngày, tôi nhìn thấy cô Hồng Nhật ngồi chơi đàn tranh rất đẹp, uyển chuyển, vậy là tôi thích và đòi theo học luôn. Cô là giáo viên đầu tiên hướng dẫn tôi đến với đàn tranh. Sau này, khi vào Trường nghệ thuật Hà Nội, rồi Nhạc viện Hà Nội, tôi được nhiều thầy cô khác chỉ dạy. Tôi cũng dành nhiều thời gian theo các nghệ nhân để tìm hiểu kỹ hơn về chèo, cải lương, ca trù… và học nhiều nhạc cụ dân tộc khác. Tôi đã gắn bó với đàn tranh gần 40 năm.
* Quá trình đưa âm nhạc dân tộc đến với khán giả trên thế giới chị gặp những khó khăn gì?
- Khó khăn đầu tiên là văn hóa Việt Nam và âm nhạc dân tộc Việt chưa được nhiều người biết đến. Khi tôi liên lạc và chia sẻ ý định với các đơn vị tổ chức biểu diễn, họ không biết phải làm như thế nào, vì khi ấy hầu như chưa có chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nhưng tôi không chùn bước. Tôi cũng xác định đó là thế mạnh của mình, vì nếu chưa ai biết, mình càng phải cố gắng làm thật tốt để họ thấy được những điều đặc biệt, nét đẹp của âm nhạc dân tộc Việt.
Khi đã có cơ hội chia sẻ và được đón nhận, tôi tin mình đã mở cánh cửa tiếp theo cho các nghệ sĩ khác, cho thế hệ những người trẻ hơn mình để tiếp tục chia sẻ những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.
* Việc từng nhận giải Emmy, có cơ hội hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế chắc chắn là những bước ngoặt sự nghiệp của chị?
- Khi làm việc, tôi luôn suy nghĩ hãy bỏ hết tâm sức và tận lực để không bao giờ phải hối hận vì mình đã không thử, không cố gắng hết mình. Năm 2001, tôi sang Mỹ, và mấy tháng sau có một đạo diễn phim liên lạc, mời thu nhạc phim cho bộ phim tài liệu Daughter from Danang (Người con gái Đà Nẵng).
Khi đến phòng thu bàn bạc, lúc đó đạo diễn và nhà sản xuất thừa nhận, họ chưa hiểu hết văn hóa Việt. Họ mời tôi tham gia đồng sáng tác âm nhạc cho phim. May mắn, bộ phim nhận giải thưởng của ban giám khảo cho phim tài liệu tại LHP Sudance 2002 và đề cử Oscar Phim tài liệu hay nhất 2003.
Năm 2006, một đạo diễn khác lại mời tôi thu âm nhạc cho phim và câu chuyện diễn ra tương tự. Bolinao 52 sau đó nhận giải Emmy 2009 cho cả nhạc phim và phim tài liệu xuất sắc. Sau này, tôi có cơ hội viết nhiều nhạc phim hơn, được làm việc cùng các nghệ sĩ nổi tiếng: Yo-Yo Ma, Quartet Kronos, Oakland Symphony…
Đặc biệt, năm 2016 tôi có vinh dự đem âm nhạc dân tộc Việt trình diễn tại Nhà Trắng (Mỹ) trước Tổng thống Obama. Lúc nào tôi cũng tâm niệm, phải đem được cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc với bề dày 4.000 năm lịch sử ra thế giới.
* Được biết, chị cũng có cơ hội từng làm giám khảo giải thưởng âm nhạc Grammy từ 2014 - 2016 và 2018?
- Tôi thấy mình may mắn khi được đại diện ban tổ chức Grammy tìm đến và mời tham gia trong thành phần ban giám khảo. Đó là cơ hội để được chia sẻ tiếng nói, chia sẻ những hiểu biết về văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Đông Nam Á nói chung.
Bám rễ vào âm nhạc dân tộc
* Trong quá trình làm nghề, chị đã làm thế nào để dung hòa âm nhạc dân tộc với các thể loại âm nhạc phương Tây, các nghệ sĩ quốc tế?
- Tôi luôn nghĩ, hãy để việc dung hòa đó diễn ra tự nhiên. Trong bất cứ chương trình nào, tôi luôn tự nhủ gốc của mình chính là Việt Nam, phải đem gốc rễ đó gắn chặt vào mỗi tác phẩm trình diễn. Thứ đến, cũng quan trọng không kém phải tôn trọng văn hóa của các nước bạn. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, nếu hiểu được sự khác biệt giữa các nền văn hóa, thành quả thu về sẽ rất ngọt ngào. Tôi luôn tâm đắc câu nói: Muốn đi nhanh hãy đi một mình. Muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Tôi chọn con đường đi xa, đi cùng bạn bè quốc tế đến từ những sắc tộc khác nhau.
* Khán giả luôn chờ đợi người nghệ sĩ sẽ có cái gì mới tiếp theo?
- Với tôi sự tò mò rất quan trọng. Tôi luôn tò mò để biết thêm suy nghĩ, tình cảm không chỉ của người Việt mà còn là các cộng đồng khác. Ví như, khi ở Mỹ, tôi luôn nhớ tiếng mưa Việt Nam sau nhà bà ngoại, rơi lộp bộp trên tán lá chuối, sau vách nhà, cơn mưa những ngày gió mùa về… Tôi tò mò tìm hiểu, liệu tiếng mưa ở Nhật, châu Phi sẽ như thế nào. Sự tò mò ấy giúp tôi ngày càng đi xa hơn.
Việc thành lập nhóm Blood Moon cũng vậy. Ý tưởng có từ rất lâu nhưng đến phải đến đầu năm 2018 mới thực hiện được vì để tìm ra những thành viên phù hợp không dễ dàng. Blood Moon là nhóm nhạc không theo hình thức phổ biến hiện nay. Chúng tôi đem đến và đến từ nhiều văn hóa, dòng nhạc khác nhau. Tôi muốn đưa ý tưởng nhạc dân tộc không chỉ có các bản nhạc cổ, các hình thức dân ca, mà còn có thể kết hợp với nhạc giao thưởng, jazz, rap, break dance… Chúng tôi muốn kết hợp và đi xa hơn, chạm đến những điều tuyệt vời hơn.