Những ngày qua, câu chuyện về ứng xử của các nghệ sĩ Việt với truyền thông, khán giả tiếp tục trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi. Vấn đề không mới nhưng bài học lại chưa bao giờ cũ. Có phải chăng vì khán giả Việt dễ yêu, dễ ghét nhưng cũng dễ quên và dễ tha thứ nên chuyện chặn đường sống - “phong sát” chỉ có ở xứ người, xứ ta còn xa vời lắm.
Những ồn ào về cách ứng xử kém cỏi của nghệ sĩ với truyền thông, với khán giả được cho gốc rễ nằm ở yếu tố thiếu sự chuyên nghiệp. Cũng dễ hiểu và không thể phủ nhận, với người nghệ sĩ cái tôi cá nhân và cảm xúc luôn rất mạnh. Khi mất bình tĩnh, để cảm xúc lấn át rất dễ buông ra những lời nói mất kiểm soát, đặc biệt trong những tình huống trả lời trực tiếp. Đâu phải ai cũng có thể vừa “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” mà đầu vẫn kịp “nhảy số” để ứng đáp thông minh.
Tài năng nghệ thuật thiên bẩm muốn tỏa sáng cũng cần sự trui rèn, khổ luyện. Kỹ năng giao tiếp, ứng xử của những người nổi tiếng cũng cần phải được đào tạo, bồi đắp bằng chính ý thức tự hoàn thiện. Không ít nghệ sĩ luôn cố gắng học hỏi nhiều kỹ năng khác nhau nhưng hoặc quên hoặc xem nhẹ việc “học nói” quan trọng như thế nào. Nhiều người đẹp trước khi tham dự các đấu trường nhan sắc quốc tế đã có những khóa học cấp tốc về giao tiếp, ứng xử thậm chí ra cả nước ngoài để học. Điều đó đáng khích lệ nhưng cũng chỉ là biện pháp tình thế, nhất thời. Sự học này phải được bắt đầu từ khi đứa trẻ sinh ra, lớn lên và nếu tham gia vào nghệ thuật, càng bắt buộc khi hàng ngày, hàng giờ họ vẫn giao lưu với số đông truyền thông, người hâm mộ. Nghệ sĩ thường rất tự ái khi bị đánh giá giao tiếp “nhạt” nhưng có tự hỏi ngược lại, mình đã cố gắng làm “mặn” chính bản thân?.
Hiện nay, hầu hết những người nổi tiếng đều có ê kíp truyền thông, công ty quản lý. Đây là xu thế tất yếu để hướng đến sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, khi hoạt động nghệ thuật không còn giới hạn ở phạm vi trong nước, mà tiến ra cả nước ngoài, kỹ năng giao tiếp còn phải theo quy chuẩn quốc tế. Chúng ta từng có rất nhiều bài học về mô hình đào tạo các nghệ sĩ của Hàn Quốc. Để được ra mắt lần đầu trước công chúng, thời gian đào tạo tính bằng năm, thậm chí cả chục năm với giáo trình chuyên nghiệp, khắt khe.
Không phải ngẫu nhiên nhiều nghệ sĩ xứ sở kim chi khi đến Việt Nam biểu diễn, tham gia các chương trình nghệ thuật lại được yêu thích. Từng cử chỉ, cách giao lưu với truyền thông, người hâm mộ cả trực tiếp và trên mạng xã hội đều rất chuyên nghiệp.
Ở Việt Nam, có mấy ai trải qua quá trình đào tạo như thế, đặc biệt khi sự nổi tiếng đến sau một đêm họ lập tức bị cuốn vào vòng xoáy hào quang. Khi xảy ra những sự cố cách đối diện, xử lý khủng hoảng như thế nào bộc lộ rất rõ bản lĩnh, sự non nớt và đặc biệt, sự chuyên nghiệp.
Ông Detlef Tursies - Chủ tịch khu vực châu Âu của cuộc thi Miss Intercontinental trong chuyến thăm đến Việt Nam vừa qua đã nhấn mạnh, ban tổ chức sẽ quan sát, chấm thí sinh từ những hoạt động nhỏ nhất như biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi với những người họ tiếp xúc, kể cả nhân viên phục vụ phòng, hay người lái xe.
Ở nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn hiện nay, ngoài vẻ đẹp về hình thể, các vòng phỏng vấn kín, ứng xử, giao tiếp trong quá trình diễn ra cuộc thi và trên sân khấu… trở thành yếu tố tiên quyết cho ngôi vị cao nhất. Hoa hậu muốn truyền được cảm hứng, lan tỏa những giá trị tích cực thì chính họ trước hết phải trở thành người điêu luyện trong giao tiếp.
Giao tiếp là cả một nghệ thuật. Người nghệ sĩ thông minh luôn là người nắm thế chủ động, biến hóa, đơn giản hóa, thay vì tự mình suy diễn, nghiêm trọng hóa vấn đề. Trong nhiều trường hợp, họ có thể thông qua công ty quản lý, người đại diện để mọi phát ngôn được đảm bảo an toàn. Và không ít trường hợp, nghệ sĩ cũng có quyền từ chối khéo léo. Không có người nghệ sĩ nào dám tự vỗ ngực mình không bao giờ phạm lỗi, vạ miệng. Cũng không phải ai tự thân đã có sẵn lợi thế về giao tiếp, ứng xử thông minh, khôn khéo. Họ có thể trả lời chưa hay, sắc sảo nhưng sẽ vẫn được yêu mến, cảm thông và cả tha thứ khi thành thật, biết tôn trọng, lắng nghe và luôn sửa đổi, hoàn thiện bản thân.