Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Nguyễn Hoàng: Kể chuyện đời qua những thước phim

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), đạo diễn Nguyễn Hoàng vẫn luôn tâm đắc câu nói: “Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh”. Cũng vì lẽ đó, mấy mươi năm qua, ông miệt mài trên hành trình rong ruổi khắp mọi miền ghi lại sự thật cuộc sống bằng hình ảnh.
NSƯT, đạo diễn Nguyễn Hoàng miệt mài với những chuyến đi ghi lại hiện thực cuộc sống. Ảnh: NVCC
NSƯT, đạo diễn Nguyễn Hoàng miệt mài với những chuyến đi ghi lại hiện thực cuộc sống. Ảnh: NVCC

Tay máy, chân đi

Gọi điện hỏi thăm, đạo diễn Nguyễn Hoàng nói ông đang ở Hà Nội trong vài ngày để ghi hình cho bộ phim tài liệu tiếp theo về nhà tình báo huyền thoại Phạm Ngọc Thảo. “Tôi luôn trong tâm thế phải tranh thủ khi các chứng nhân lịch sử còn sống để nghe trực tiếp họ kể chuyện. Hơn ai hết, mình phải mắt thấy, tai nghe và ghi lại bằng hình ảnh để kể lại câu chuyện cho khán giả tin. Đó vừa là cái thú vị của một nhà làm phim tài liệu, vừa góp phần làm nên sức nặng của bộ phim. Giá trị của sự thật và tính nhân văn của tác phẩm cũng nằm ở đó”, ông chia sẻ.

Sự thật và nhân văn cũng là hai “từ khóa” đã theo đạo diễn Nguyễn Hoàng trong suốt mấy mươi năm lăn lộn làm phim tài liệu kể từ khi bước chân vào nghề đầu những năm 1990 và gắn bó trọn vẹn với Hãng Phim truyền hình TPHCM (TFS). Có thể nói, mối duyên giữa Nguyễn Hoàng và TFS là sự tình cờ. Bởi ông vốn tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn phim truyện, nhưng thời đó được sự động viên của cố NSND Phạm Khắc nên quyết định theo phim tài liệu. Mà, đã theo thì mê không dứt ra được. Đây cũng là thời kỳ vàng son của TFS với rất nhiều thiên ký sự, phim tài liệu nổi tiếng cả trong nước và quốc tế. Như “cá gặp nước”, trong mấy mươi năm lên rừng, xuống biển, ra đảo xa, hàng chục tác phẩm tài liệu đình đám mang dấu ấn Nguyễn Hoàng cũng từ đó mà ra đời. Có thể kể đến Mê Kông ký sự, Cánh chim không mỏi, Giữa ngàn thác lũ, Những cánh hoa ngược dòng, Từ trái tim đến trái tim, Ký sự biển đảo quê hương… Ấy vậy nhưng, khi nói về gia tài của mình, ông chỉ khiêm tốn nhận “có vài tác phẩm để lại cho cuộc đời”.

Rời TFS khi đến tuổi về hưu. Nhưng nhà làm phim thì làm gì có tuổi hưu, nhất là khi nghiệp đã ăn sâu vào máu. Vì thế, với tâm thế của một tay máy tự do, dẫu tài chính có phần eo hẹp hơn nhưng với ông, thời gian là lợi thế để thỏa sức sáng tạo. Ông giãi bày: “Tôi không thể chờ đến lúc có tài trợ hay được đặt hàng mới cầm máy lên và đi. Nếu vậy thì lỡ hết vì các chất liệu đã trôi qua, nhiều nhân vật cũng không còn. Thôi thì mình cứ làm. Phim được phát sóng, có đủ kinh phí trang trải để tiếp tục làm nghề là vui rồi”. Với bộ phim về nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, ông cũng tự bỏ tiền túi thực hiện.

Và lắng nghe chuyện đời

Nghề làm phim tài liệu vốn lắm gian nan. Chuyện nghề, như ông chia sẻ, kể bao nhiêu cũng không hết vì bộ phim nào cũng đầy ắp kỷ niệm. Như giai đoạn làm Mê Kông ký sự, ông nhớ nhất những ngày quay “vượt sóng” ngỡ có thể mất mạng đến nơi. Bộ phim này, ông được giao phụ trách phần bối cảnh từ Campuchia về Việt Nam. Đó là ngày đoàn có bối cảnh chính tại một cửa biển. Dù được sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng, trang bị phao cứu sinh khá đầy đủ nhưng sóng quá lớn khiến ai cũng sợ đến mất mật. Nhưng ơn trời, cuối cùng mọi thứ về đích an toàn. Phải có những chuyến đi như thế mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và quan trọng là để lắng nghe những câu chuyện đời.

Cái hay của Nguyễn Hoàng còn ở chỗ, mỗi lần đi thực tế, ông luôn tranh thủ từng phút, từng giây để có thể ghi lại nhiều nhất những chuyển động của đời sống. Ông gọi đó là quá trình tích lũy kiểu như kiến tha lâu đầy tổ. Ông cũng xem đó là kho tư liệu, gia tài sẽ bồi đắp cho từng tác phẩm của mình đầy đặn nhất. Làm phim tài liệu, với ông chỉ sợ thiếu vì có bao giờ là thừa. Cũng bởi nhận thức được giá trị của phim tài liệu đã giúp ông duy trì được niềm hạnh phúc, không thích ganh đua hay cảm thấy thiệt thòi.

“Quan trọng nhất vẫn là nhãn quan và sự tinh tế của nhà làm phim. Có rất nhiều vấn đề, câu chuyện tưởng chừng là bình thường, ít được quan tâm. Nhưng mình phải nhìn thấy sự khác biệt, nét độc đáo riêng để tạo nên giá trị”, ông tâm sự. Cũng vì lý do đó, dù là người rất trung thành với đề tài chiến tranh cách mạng, ông vẫn tạo nên dấu ấn cho riêng mình. Trong từng thước phim của ông, lịch sử được tái hiện bằng hình ảnh một cách đầy thuyết phục thông qua những câu chuyện về từng nhân chứng, họ đã sống ra sao, sống như thế nào. Sự kết hợp giữa những câu chuyện người thật, việc thật và cảm xúc bộ phim mang lại đã làm nên bản sắc riêng của Nguyễn Hoàng.

Vì gắn bó đủ lâu, ông luôn có niềm tin trọn vẹn với phim tài liệu. Theo ông, có thể trước mắt nó không thật sự thu hút như các thể loại khác nhưng sau 5, 10 năm và lâu hơn nữa, nó vẫn vẹn nguyên giá trị nếu tác phẩm và nhà làm phim thật sự dấn thân, đi sâu vào hiện thực và đời sống. Bởi xét cho cùng, với ông, “phim tài liệu là công cụ để chống lại sự lãng quên”. Phim tài liệu có thể khiến người ta phải xem đi xem lại nhiều lần. Tâm thế đó khiến ông vẫn luôn đam mê, không đắn đo hay suy nghĩ về việc dừng lại hay đi tiếp.

Cần mẫn làm nghề, vinh quang đến với đạo diễn Nguyễn Hoàng như một lẽ tất yếu. Ông có trong tay bộ sưu tập giải thưởng đồ sộ từ giải Báo chí quốc gia, Bông sen vàng, Cánh diều vàng, giải thưởng Liên hoan truyền hình toàn quốc… Giải thưởng rất đáng quý nhưng với ông, chinh phục được khán giả mới là đỉnh cao, là danh dự lớn nhất của nhà làm phim. Đích đến cuối cùng của ông là tác phẩm của mình đến gần hơn nữa với khán giả. Không chỉ phát sóng trên truyền hình, đã có những buổi chiếu phim của ông thu hút đồng thời 500 khán giả ở những hội trường lớn. Đó là hạnh phúc với bất kỳ nhà làm phim nào. Vậy nên, không ngạc nhiên khi ông vẫn ấp ủ những tác phẩm phim tài liệu được chiếu ở rạp…

Tin cùng chuyên mục