Cắt giảm lương để duy trì nhà hát
Thị trường nghệ thuật biểu diễn đang hết sức ảm đạm. Tình trạng này là bức tranh chung cho các nhà hát từ nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, múa rối cho tới kịch nói.
Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện phải chấm dứt hợp đồng với một số diễn viên để chuyển qua hợp đồng công việc. Bởi theo quy định tại Nghị định 161, các nhà hát lấy tiền thu từ sự nghiệp để trả lương diễn viên hợp đồng, nay mọi nguồn thu từ biểu diễn bị “chặt đứt” nên có nhiều diễn viên chuẩn bị được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, thậm chí có danh hiệu rồi vẫn bỏ việc ra ngoài.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn lo lắng: “Nhà hát không biểu diễn được, nên không có nguồn thu. Nghệ sĩ cũng không tập luyện được vì nhà hát không có tiền trả. Chúng tôi hiện không có kinh phí để nuôi con người, nghệ sĩ bỏ đi là chuyện rất bình thường”.
Chung nỗi lo, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - NSND Triệu Trung Kiên chưa biết sẽ phải trả lương các nhạc công chủ chốt, diễn viên trẻ bằng cách nào. Vẫn biết là khó khăn chung của xã hội khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, song cũng như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng đang đối mặt với những lo lắng níu chân nghệ sĩ trẻ.
Từ giữa tháng 6, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã ra thông báo gửi cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên về việc tạm thời cắt giảm 50% lương trong 2 tháng. Là đơn vị nghệ thuật tự chủ, mọi nguồn thu đều được lấy từ các hoạt động nghệ thuật, song vì dịch bệnh, mọi hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động nghệ thuật của nhà hát nói riêng đều bị tạm ngừng, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ đóng cửa, các dịch vụ căng tin ngừng hoạt động, cũng đồng nghĩa với việc không có nguồn thu. Vì sự tồn tại của nhà hát, ban lãnh đạo đã kêu gọi sự chung vai gánh vác của mỗi thành viên.
“Biết rằng chúng ta sẽ hụt hẫng bởi chúng ta yêu và sống bằng nghề, đam mê và khát vọng được sáng tạo, được đứng trên sân khấu, cống hiến cho khán giả, nhưng lúc này đây, cần lắm những cái nắm tay thật chặt, đoàn kết cùng nhau bước qua mọi khó khăn, thách thức”, thông báo nêu rõ.
Gần 2 tháng qua, vì tình hình dịch bệnh bùng phát nên Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam dừng toàn bộ hoạt động tổ chức biểu diễn xiếc, múa rối. Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc nhà hát, cho biết: “Tôi lo nhất là lực lượng 50/90 người là nghệ sĩ trẻ nòng cốt, làm việc theo hợp đồng, ngoài quỹ lương, cuộc sống của các em rất khó khăn, nhiều em ở tỉnh lên thành phố thuê nhà để làm nghề. Nguồn thu nhập chính của các em được nhà hát chi trả từ doanh thu tổ chức biểu diễn bán vé, nên khi nhà hát không tổ chức biểu diễn được thì không có nguồn thu để trả lương. Trong tháng 5, nhà hát đã trích quỹ để trả lương cho đội ngũ nhân sự ngoài biên chế. Tháng 6 này, khi không có nguồn thu mới, nhà hát đành thỏa thuận với các nghệ sĩ, diễn viên trẻ xiếc, múa rối về việc trả lương chậm”.
Mong muốn mở rộng đối tượng hỗ trợ
Bình quân, số tiền lương một tháng Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam phải trả cho đội ngũ ngoài biên chế là 200 triệu đồng. Với thực trạng khó khăn, tập thể nghệ sĩ nhà hát đang mong chờ có sự hỗ trợ kịp thời để cầm cự qua mùa dịch bệnh.
Ở Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, hầu hết nghệ sĩ, nhân viên nhà hát đều là viên chức, lương căn bản cộng với phụ cấp ưu đãi nghề dao động từ 3-7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trong quý 1-2020, viên chức thành phố được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 dành cho viên chức, công chức của TPHCM, với tổng thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/3 tháng. Nguồn thu này trong mùa dịch bệnh tuy không nhiều nhưng tạm thời cũng xoay sở được cho cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả.
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc phụ trách và điều hành Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, cho biết: “Với tình hình dịch bệnh hiện tại, anh em của nhà hát may mắn hơn vì còn có lương để lo toan cuộc sống. Riêng những nghệ sĩ làm việc ở các đơn vị xã hội hóa thì rất bấp bênh, không có thu nhập, vô cùng vất vả. Nhìn tổng thể, nhiều anh em nghệ sĩ đang rất cần những gói hỗ trợ để vượt qua mùa dịch bệnh này”.
Chia sẻ câu chuyện về những thắc mắc cho rằng, có thực sự nghệ sĩ là đối tượng cần được hỗ trợ trong thời điểm này hay không, NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho biết: “Đã 2 năm qua, số lần các rạp được mở cửa biểu diễn ít ỏi vô cùng, bởi thế, nếu có hỗ trợ với các nghệ sĩ trẻ thời điểm này cũng khiến những người làm nghề cảm thấy ấm lòng”.
Còn nghệ sĩ Sĩ Tiến, Nhà hát Tuổi trẻ, cho rằng: “Nếu đề xuất được thông qua, đến 90% nghệ sĩ không nằm trong diện nhận hỗ trợ; chỉ có nghệ sĩ hạng 4 (đối tượng được đề xuất hưởng hỗ trợ - PV) là các em mới ra trường, vào nghề chưa bao lâu và có mức lương thấp nhất trong thang bảng lương là được nhận hỗ trợ”.
Chia sẻ về nhận định “nghệ sĩ hiển nhiên có nhà lầu, xe hơi, cát xê tiền triệu”, NSND Thúy Mùi cho rằng, đó là cái nhìn chưa toàn diện. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ mong muốn đối tượng hỗ trợ được mở rộng hơn đến các nghệ sĩ gặp khó khăn đang hoạt động tại các đơn vị ngoài công lập.
Bộ VH-TT-DL vừa có văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB-XH, đồng thời kiến nghị Thủ tướng, cho bổ sung hai đối tượng là nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch vào dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, Bộ VH-TT-DL đề nghị hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ hạng 4 trong các đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vì đây là nhóm có lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng, được hỗ trợ 3 tháng, chi trả một lần. |