- Phóng viên: Sảnh trung tâm bên dưới Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 3 và 6, TP Thủ Đức (TPHCM) có lẽ là sân khấu lạ lùng nhất từ trước đến nay với nhiều nghệ sĩ, khán giả?
Nghệ sĩ TRẦN MẠNH TUẤN: 40 năm hoạt động nghệ thuật, chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày mình lại diễn ở một sân khấu đặc biệt, phục vụ cho những khán giả đặc biệt như vậy. Tôi đã có một sân khấu đặc biệt nhất cuộc đời rồi! Dẫu đã qua vài ngày nhưng tôi vẫn lâng lâng, xúc động. Đã có lúc thấy mắt mình cay cay…
Thực ra, lúc đầu tôi có hơi ngại, bởi vì như mọi người đều biết, nhiều năm nay Trần Mạnh Tuấn là người có bệnh nền. Mình là bệnh nhân ghép thận, sống đến hôm nay cũng nhờ quả thận ghép trong cơ thể do người anh trai hiến tặng. Nhưng tôi nghĩ, cuộc sống này là sự sẻ chia và bản thân mình đã nhận được nhiều yêu thương của mọi người thì nên có trách nhiệm với cộng đồng.
- Khi thổi saxophone qua chiếc khẩu trang, anh gặp khó khăn gì?
Khẩu trang do vợ và con gái thiết kế riêng cho việc trình diễn, chừa một khoảng hở nhỏ trước miệng vừa đủ để thổi. Quả thật, rất khó biểu diễn với khẩu trang cùng lúc phải đeo kính chống giọt bắn. Khi mình đi lại thôi cũng đã hơi ngột ngạt rồi, còn đây dùng sức để hít vào, khẩu trang cản trở tương đối nhiều. Nhưng không ngờ khi diễn nhận được sự tán dương rất lớn từ mọi người đã thôi thúc tôi làm tốt hơn. Bằng kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp, tôi cố gắng hết sức thể hiện các tác phẩm trọn vẹn.
- Tại sao anh chọn trình diễn Quê hương, Về quê, Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em?
Tôi nghĩ rằng trong thời điểm này, tình yêu quê hương đất nước là điều mãnh liệt nhất đưa mọi người gần nhau hơn. Âm nhạc như một thứ trị liệu tinh thần là vậy. Quê hương (nhạc Giáp Văn Thạch, phổ thơ Đỗ Trung Quân) và Về quê (Phó Đức Phương) ai cũng thuộc, giai điệu quá thân thương, quá đẹp. Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không chỉ là tình yêu đôi lứa đâu, đó là sự yêu thương, tình người với nhau…
Tôi đã biểu diễn Quê hương mấy chục năm nay, biểu diễn tương đối nhiều nơi, cảm xúc khác vô cùng. Quê hương trước đây tôi diễn thường mang điều gì đó hân hoan, đẹp đẽ, du dương, còn Quê hương biểu diễn ở bệnh viện dã chiến lại sâu lắng, da diết, trầm mặc, có sự trĩu nặng trong đó. Và tôi biết, mọi người cảm thấy có sự gắn kết ở đó.
- Sau đêm biểu diễn, điều gì khiến anh xúc động?
Mấy hôm nay, tôi vẫn còn lâng lâng, bởi đọc rất nhiều bình luận, chia sẻ, tin nhắn của khán giả, thậm chí có người ở rất xa, từ nước ngoài gửi về. Họ nói tôi mang họ lại gần nhau, gần với quê hương.
Phải kể thêm rằng, tôi rất xúc động khi nghe chia sẻ từ một vị hòa thượng ở chùa Huê Nghiêm gần khu cách ly nơi tôi biểu diễn. Hòa thượng kể rằng, trước hôm có biểu diễn âm nhạc thường nghe tiếng la hét của bệnh nhân điều trị - có thể họ căng thẳng tinh thần, đau đớn cơ thể. Thế nhưng, sau đêm biểu diễn, người ta yên lặng hơn. Tôi nghe vậy thôi đã rưng rưng rồi và thấy được rằng, bình thường âm nhạc mang tính giải trí nhưng trong khoảnh khắc này lại là phương thuốc trị liệu, giúp con người tĩnh lặng hơn, an yên hơn…
- Anh có dự tính tiếp tục biểu diễn ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến trong thời gian tới không?
Hiện tại, tôi nhận được khá nhiều lời mời biểu diễn như thế từ các tổ chức khác nhau. Tôi rất mong mình đủ sức khỏe để tham gia những chương trình ý nghĩa như vậy. Tuy rằng, hôm rồi biểu diễn về tôi bị bác sĩ đang điều trị cho mình trách rằng “liều quá”. Ông ấy nói tôi biểu diễn rất ý nghĩa nhưng với sức khỏe của một bệnh nhân như tôi thì sức đề kháng luôn thấp hơn người bình thường, nguy cơ bị lây nhiễm rất cao… cho nên là hơi liều.
Nhiều năm nay, sau phẫu thuật ghép thận, tôi thấy sức khỏe được cải thiện. Đương nhiên, hàng ngày tôi vẫn phải uống thuốc chống thải ghép đến hết đời. Nhưng như bạn thấy đó, tôi vẫn còn chơi nhạc và sáng tác được.
- Dịch bệnh xảy ra, cuộc sống anh thay đổi như thế nào?
Điều hạnh phúc nhất của nghệ sĩ là được đứng dưới ánh đèn, nhận những tràng pháo tay của khán giả. 2 năm nay, dịch bệnh làm ảnh hưởng và trễ rất nhiều chương trình biểu diễn. Tuy nhiên, cũng chính dịch bệnh đã thay đổi suy nghĩ của tôi về công việc giảng dạy. Thật ra, nhiều năm nay tôi đã giảng dạy rồi nhưng công việc quá bận rộn, từ dàn dựng chương trình, biểu diễn, sáng tác, tham dự các liên hoan âm nhạc trên thế giới… khiến tôi không thể dành nhiều thời gian cho công tác đào tạo. Đợt dịch này tôi thay đổi hoàn toàn, tôi mở Trung tâm TMT Saxophone Center. Nơi này đã có 70-80 học viên, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Các bạn đến chia sẻ kiến thức âm nhạc, niềm đam mê dành cho saxophone.
Việc đào tạo nghệ sĩ trẻ, dạy online cho học viên trong nước và quốc tế thời gian này mang lại cho tôi niềm hứng khởi, niềm tin. Tôi có nhiều giờ phút, ngày tháng như được trẻ lại. Có những lớp rất nhỏ, các em chỉ 8-9 tuổi mang lại cho mình sự trẻ trung.
- Là người từng đối mặt với “án tử” khi thực hiện ca phẫu thuật trước đây, những ngày này, anh suy nghĩ ra sao về sự sống và cái chết? Anh coi trọng điều gì nhất?
Thật ra tôi đối mặt nhiều lần, chứ không phải một. Tôi hiểu cuộc sống vô thường, thế nên cứ sống hết mình, từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Hãy chia sẻ những điều tích cực, tử tế, lạc quan đến người xung quanh. Điều quan trọng nhất dĩ nhiên là sức khỏe. Có sức khỏe mới làm được nhiều điều cho chính mình, người thân, khán giả.
Nghệ sĩ TRẦN MẠNH TUẤN: Thời gian này, tôi chứng kiến rất nhiều sự gắn kết của người dân TPHCM và cả nước. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, có thể không sống ở đó đủ lâu để nhìn thấy mọi thứ, nhưng qua cảm quan nhiều năm đi và sống, tôi cảm thấy không đâu như ở Việt Nam mình: có một sự gắn kết, chia sẻ vô cùng mãnh liệt. Hy vọng rằng, mọi người sớm vượt qua dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường; để chúng ta được sống, được hát ca, được đi thăm nhau, đi thăm tất cả vùng miền trên đất nước tươi đẹp này. |