Ở mỗi vai diễn, nữ nghệ sĩ cố gắng tìm kiếm và sáng tạo không ngừng để xây dựng cho mình một phong cách diễn xuất đa dạng, tràn đầy sức sống tươi trẻ, cuốn hút. Hiện nay, cô là nữ nghệ sĩ múa chính của đoàn vũ kịch Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO).
* PHÓNG VIÊN: 10 năm theo đuổi niềm đam mê nghề múa, điều gì khiến chị trăn trở với con đường mình đã chọn?
* Nghệ sĩ TRẦN HOÀNG YẾN: Khi theo đuổi nghề múa, tôi nghĩ rất đơn giản, được múa là thích và hạnh phúc. Có vở mới, chúng tôi lại lao vào tập suốt cả ngày. Nhận vai rồi chẳng nghệ sĩ múa nào lại nghĩ đến chuyện tiền nong sẽ nhận được là bao nhiêu.
Ai cũng nghĩ, đã chọn nghề này rồi thì phải cố gắng hết sức, để vai diễn hoàn hảo. Nhưng khi nhận được khoản tiền tập luyện, biểu diễn, nhiều lúc không khỏi ngậm ngùi. Không chỉ vậy, với diễn viên múa, sàn tập như người bạn, nhưng bao lâu nay, đoàn múa cứ phải di dời hoài.
Vì không có nhà hát riêng, điểm diễn phải đi thuê, nên sau khi tập, dựng vở xong, trước khi công diễn, nghệ sĩ mới có được một buổi duy nhất để chạy chương trình trên sân khấu.
Việc này nhiều khi khiến nghệ sĩ không thể thích nghi liền với không gian sân khấu chính thức, vì vậy ai cũng có chút thiếu tự tin khi bước ra sân khấu. Khó khăn đó tồn tại quá nhiều năm.
* Tuổi nghề ngắn ngủi, nghề lại không ít sự nguy hiểm và thương tổn về sức khỏe, có lúc nào chị chững lại và muốn thay đổi?
* Tôi tốt nghiệp Trường Múa TPHCM khi còn 1 năm nữa mới tốt nghiệp THPT. Mẹ tôi không ủng hộ tôi theo nghề vì sợ nghề múa bấp bênh, ít chương trình biểu diễn, sợ con khổ.
Tôi từng bỏ nghề múa để đi học Khoa Quan hệ quốc tế Đại học Ngoại ngữ - Tin học. Nhưng sau 3 năm học, tôi nhận ra một điều, mình chỉ hợp với múa, vậy là tôi quay trở lại sàn tập, tham gia cùng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM.
Mẹ tôi khóc hết nước mắt vì quyết định này. Tôi đã phải hứa với mẹ rằng, tôi vào nhà hát để được làm nghệ thuật thực sự và tôi sẽ học đại học trở lại. Làm nghề được 3 năm, tôi thi vào Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội.
Có những lúc khó khăn bủa vây, tinh thần mệt mỏi, tôi cũng thấy tủi thân vì làm nghệ thuật mà sao thiếu thốn đủ thứ. 10 năm gắn bó với nhà hát, với nghề múa, tôi cũng có những vết thương khó lành. Thực tế, mỗi diễn viên múa đều bị chấn thương, chỉ là ít hay nhiều.
Bản thân tôi bị chấn thương đầu gối, tràn dịch đầu gối vì dư chất nhờn. Mỗi khi tập nhiều vết thương lại đau, tôi phải nẹp gối, uống thuốc, chườm đá. Ngoài vết thương ở gối, tôi còn bị đau dây thần kinh tọa, từng bị đơ nửa người.
Nhớ lại buổi chiều chạy chương trình múa đương đại để tối diễn mà tôi đau quá, cả người không nhúc nhích được, mọi người phải dìu vào bên trong hậu trường xoa bóp, xịt thuốc giảm đau.Tôi cũng vẫn ráng chạy cho xong chương trình và tối ra diễn. Chính sự lì lợm và liều lĩnh đó khiến tôi nằm cả tuần, đau đớn không thể tả. Thế nhưng, tôi vẫn không buông bỏ niềm đam mê.
* Chị nghĩ gì về thực trạng hoạt động của nghề múa và lớp diễn viên trẻ kế thừa nghệ thuật múa cổ điển hôm nay?
* Hiện tại, nghề múa nói chung đang có những bước phát triển, tuy không quá mạnh mẽ. Riêng chuyên ngành ballet, đương đại rất thiếu nhân lực. Các diễn viên trẻ tốt nghiệp trường múa thường không chọn con đường khó khăn là múa ballet và đương đại. Họ đầu quân về các vũ đoàn hoặc tự kiếm sô diễn để xoay xở làm nghề.
Đó là một cách dễ kiếm tiền và đỡ vất vả. Điều này khiến tôi nhớ về thời của tôi và các thế hệ anh chị đi trước, sau khi tốt nghiệp ra trường mà tìm được một chân vào bất cứ nhà hát nào đều là niềm mơ ước.
Các em hôm nay có nhiều lợi thế, từ hình thể đẹp, độ dẻo, đến sự tiếp cận kiến thức múa mới thông qua băng đĩa, clip về nghệ thuật múa của quốc tế trên các trang mạng internet..., thế nhưng không một em nào có ý định sẽ về một đoàn chuyên nghiệp.
Điều này khiến tôi trăn trở và tự đặt nhiều câu hỏi, phải chăng vì đoàn vũ kịch HBSO chưa đủ sức hấp dẫn các em, điều kiện làm nghề có nhiều hạn chế, vất vả nên các em không muốn đầu quân…? Năm trước, tôi về Trường Múa TPHCM xem các em thi tốt nghiệp và kêu gọi một số em về cộng tác với đoàn vũ kịch…
Sau những nỗ lực tìm kiếm đội ngũ kế thừa, đến nay Nhà hát HBSO đã có được một số gương mặt diễn viên trẻ có năng lực và niềm đam mê nghề múa cùng cộng tác thường xuyên với nhà hát.
* Chị có sự chuẩn bị như thế nào cho tương lai của mình?
* Tôi đã cố gắng tạo nên một nhân vật của Hoàng Yến, mới lạ và có nhiều sức sống. Tôi cũng được nhà hát tạo điều kiện cho đi học nước ngoài dài hạn, nhưng tôi chỉ thích theo các khóa ngắn hạn để vẫn được thường xuyên đứng trên sân khấu, đem kinh nghiệm, kiến thức học được áp dụng liền.
Những năm sau này, nhà hát có nhiều hoạt động tổ chức biểu diễn định kỳ hơn, diễn viên múa có nhiều cơ hội học hỏi với chuyên gia, nghệ sĩ quốc tế qua giao lưu, hợp tác đào tạo tại chỗ.
Tầm 2 năm nữa, sau khi thực hiện kế hoạch có em bé, tôi sẽ tiếp tục quay lại nghề múa. Tuổi đời nghề múa rất ngắn, mình có yêu cuồng nhiệt đến bao nhiêu thì đến một lúc cũng phải xếp lại, nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm những việc có liên quan đến nghề.