Rạng Đông là album ghi lại những cảm xúc đặc biệt của anh sau nhiều lần đi điền dã tới những vùng đất mới. Anh nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu, ghi nhận từng câu chuyện, tiếng đàn, khúc ru, tâm tình, suy nghĩ của những con người sống giản dị trong những ngôi nhà nhỏ, ở những bản làng xa xôi, để lưu giữ nét đẹp văn hóa, sự độc đáo của âm nhạc truyền thống, để tư duy tìm kiếm cách thức thể hiện những âm thanh dân tộc bằng cảm xúc âm nhạc của chính mình.
Sau hơn 14 tháng thực hiện, album Rạng Đông được nghệ sĩ Ngô Hồng Quang hoàn thiện với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Ấn Độ, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản và nghệ sĩ Việt Nam.
Rạng Đông là album đầu tiên chỉ biểu đạt những khoảnh khắc văn hóa âm nhạc bản địa xuyên suốt từ Đông qua Tây Bắc và kéo dài tới Duyên hải Nam Trung bộ, đưa khán thính giả cùng du ngoạn đến với vẻ đẹp văn hóa dân tộc các vùng miền, đặc biệt ở vùng cao, thông qua ngôn ngữ âm nhạc đương đại đầy màu sắc và sáng tạo.
Album không sử dụng âm thanh điện tử mà được các nghệ sĩ trình diễn mộc với các loại nhạc cụ: đàn tính, tiêu, đàn tranh, bộ gõ, đàn nhị, sáo trúc, ghi-ta bass, tam thập lục, đàn tranh Nhật Bản (Koto), bộ gõ Ấn Độ, sáo H'mong, beatbox, đàn môi… để thể hiện các tác phẩm: Tiếng lượn nhắn người phương xa (dân ca Tày), Rạng Đông, Giấc mơ trên lưng (dân ca H’Mông), Phận cái duyên (dân ca H’Mông), Sli Sình Làng (Trở về, dân ca Nùng), Tiễn bạn (dân ca H’Mông)…
Riêng nghệ sĩ Ngô Hồng Quang rất thích bài Rạng Đông, vì theo anh, đây không chỉ là một sáng tác mới, mà còn là hình ảnh mang ý niệm về ngày mới, sự khởi đầu mới, sự sinh sôi nảy nở được bắt đầu, cũng như những nguồn năng lượng tích cực tươi mới, sức sống mãnh liệt vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong cuộc sống của người dân miền cao.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang mong muốn lan tỏa album âm nhạc dân tộc miền núi đến được với đông đảo công chúng yêu nhạc trong nước và khán giả quốc tế.
Tháng 4-2024, album được phát hành bản đầu tiên là 200 đĩa than. Đến tháng 5, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang sẽ tiếp tục phát hành khoảng 2.000 đĩa CD, sau đó, anh có kế hoạch quảng bá online để lan tỏa mạnh mẽ hơn những sáng tác âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang sinh ra và lớn lên tại Hải Dương, Việt Nam. Từ nhỏ đã được kết nối với âm nhạc truyền thống qua ông nội của mình - một người chơi đàn nhị có tiếng trong những gánh hát địa phương. Nhờ có ông mà Ngô Hồng Quang say mê tiếng đàn và dễ dàng tiếp thu, cảm thụ một cách tinh tế những làn điệu hát dân gian như chèo, quan họ, chầu văn, xẩm... Anh nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc với dòng nhạc chứa đựng tâm hồn dân tộc và được cha mẹ cho theo học đàn nhị tại Nhạc viện Hà Nội từ sơ cấp đến đại học (từ năm 1995 tới năm 2006). Sau khi tốt nghiệp đại học, Ngô Hồng Quang được giữ lại làm giảng viên bộ môn đàn nhị tại khoa Âm nhạc truyền thống tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Từ đây, anh lại nuôi dưỡng khát vọng phát triển thế mạnh của cây đàn nhị cũng như các nhạc cụ dân tộc khác để trao truyền kiến thức và tình yêu âm nhạc dân tộc đến khán giả trong và ngoài nước, lan tỏa rộng hơn những giá trị văn hóa âm nhạc độc đáo của người Việt theo một hướng đi mới, một cách thể hiện mới, thông qua sự sáng tạo riêng biệt, sự kết hợp và giao thoa với các nền văn hoá âm nhạc khác trên thế giới.
Năm 2014, với đề tài nghiên cứu về việc sưu tầm, phát triển và lan toả âm nhạc của người H’Mông, nhóm người dân tộc thiểu số sinh sống chính tại các vùng núi cao phía bắc của Việt Nam, anh đã thi đỗ và dành được học bổng toàn phần của Chính phủ Hà Lan để theo học bộ môn sáng tác âm nhạc đương đại tại Nhạc viện Âm nhạc Hoàng gia Den Haag, Hà Lan, và anh đã tốt nghiệp xuất sắc khóa học này.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang là một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau như đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, đàn K’ny, đàn tính, đàn chiêng dây... và sở hữu một giọng hát đậm màu sắc dân gian. Những dự án gần đây nhất của anh có: Nón (năm 2016), Hanoi Duo (Song tấu Hà Nội, năm 2017), Looking Back (Nhìn lại, năm 2019), Overseas (năm 2019), Tình đàn (năm 2021)...