* PHÓNG VIÊN: Là một nghệ sĩ múa kỳ cựu, hiện là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TPHCM, anh đánh giá tình hình hoạt động của nghệ thuật múa hiện nay thế nào?
- Nghệ sĩ LÊ NGUYÊN HIỀU: TPHCM hiện đang hội tụ nhiều diễn viên múa tài năng, biên đạo múa giỏi nghề, chịu khó học hỏi, nhanh nhạy cập nhật kiến thức, các xu thế mới để tạo nên sức hấp dẫn của các tác phẩm. Các bạn chính là lực lượng chủ lực góp sức làm sôi động hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật không chỉ ở TPHCM, mà còn ở các tỉnh thành, trong các lễ hội, chương trình nghệ thuật lớn nhỏ.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngay cả các đơn vị nghệ thuật múa công lập hay ngoài công lập đều gặp không ít khó khăn vì thiếu điều kiện phát triển. Như ở Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) hiện có đội ngũ diễn viên múa ballet giỏi nghề, nhưng lâu nay vẫn không có được một sàn tập ổn định. Ngày xưa, chúng tôi mượn Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM rồi chuyển qua mượn sân khấu hài 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa để tập. Giờ các em lại tiếp tục lây lất tìm thuê sàn tập ở khắp nơi. Có thể cảm nhận được, các em đã phải có một tình yêu rất lớn mới bám trụ với nghề. Nghệ thuật múa khác với tất cả các loại hình nghệ thuật khác, nếu không có sự tập luyện cơ bản chung với nhau thì không bao giờ lên sân khấu múa được. E rằng không lâu, các bạn trẻ sẽ không còn tâm sức để giữ nghề.
* TPHCM cũng là nơi có nhiều vũ đoàn nhất cả nước, nhưng có trình diễn nghệ thuật thì múa mới có sân chơi để biểu diễn và kiếm sống, trong khi thực tế ngành biểu diễn ở thành phố đang gặp khó?
- Với các vũ đoàn, có thể thấy, không có nơi nào trên cả nước như TPHCM, tập trung được nhiều diễn viên, biên đạo múa trẻ, chịu khó bươn chải, đầu tư để làm nghề. Ở một góc độ nào đó, các vũ đoàn hoạt động còn sôi nổi hơn cả các đơn vị nghệ thuật công lập, vì không bị áp lực về kinh phí, chính sách, cơ chế… Tuy nhiên, các vũ đoàn hiện nay chủ yếu hoạt động góp sức trong các chương trình lễ hội, ca múa nhạc, phục vụ khách du lịch tại TPHCM và nhiều tỉnh thành bạn. Các bạn sống và làm việc theo cơ chế thị trường, ai đặt hàng thì làm nên chưa có động lực phát huy nghệ thuật múa bằng những tác phẩm, vở diễn quy mô, chất lượng cao.
Ngoài ra, tôi cũng trăn trở với thực trạng có không ít sinh viên sau nhiều năm học bài bản từ trường lớp chính quy, đến khi tốt nghiệp ra trường lại không có việc làm đúng chuyên môn. Một số bạn trẻ chạy về các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi quận huyện để dạy múa cho trẻ em, tham gia dựng múa phục vụ cơ sở. Một số chạy sô ở các nhà hàng tiệc cưới để được gắn bó một chút với ngành nghề đã học. Đó là bất cập của đầu ra ngành múa đã tồn tại trong nhiều năm qua.
* Theo anh, công tác đào tạo múa hiện nay có đáp ứng được yêu cầu của đời sống nghệ thuật múa thời đại mới hay không?
- Giáo trình đào tạo múa hiện nay gần như lạc hậu, kể cả ở các trường nghệ thuật miền Bắc và miền Nam, vì vậy hướng đến việc hoạch định cho tương lai thì các trường cần phải xem lại giáo trình đào tạo làm sao cho phù hợp thời đại và nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. Hiện đơn vị hoạt động múa ballet ở TPHCM chỉ có mỗi HBSO, Hà Nội cũng chỉ có Nhà hát Nhạc - Vũ kịch Việt Nam. Đào tạo chính quy chuyên ngành múa ballet 6, 7 năm trời cho các bạn trẻ, rồi sau khi ra trường, các bạn lại không biết đi đâu, về đâu vì biên chế hay hợp đồng chỉ có hạn. Trong khi học múa dân gian, múa đương đại, chỉ khoảng 2, 3 năm, khi ra trường là các em có thể có việc làm ngay. Lúc trước, để thi đậu chuyên ngành ballet, tuyển sinh từ mấy ngàn người, cuối cùng chọn được có vài người xuất sắc và các em học chưa ra trường là các đơn vị nghệ thuật đã đến “đặt cọc” trước. Giờ, chỉ cần đóng tiền là các em được vào học, nhưng ra trường, không có đơn vị nhà nước nào nhận ngay, phải tự đi xin việc làm, rất bấp bênh.
Vấn đề giảng viên hiện cũng đáng lo ngại, còn mang tính chắp vá chứ chưa chính thống. Các giảng viên múa đương đại phải tự nâng cao kiến thức chuyên môn qua các lớp đào tạo ngắn hạn, nên tiếp nhận kiến thức còn nhiều hạn chế. Việc một số giảng viên trẻ kịp thời cập nhật kiến thức mới để bổ sung vào giáo trình, chuyển tải đến học sinh cũng chỉ là giải pháp mang tính cá nhân, thực tiễn vẫn đòi hỏi có sự đổi mới về giáo trình từ cấp bộ.
* Vậy cần làm gì để nghệ thuật múa thay đổi diện mạo và phát huy tốt hơn các giá trị nghệ thuật vốn có?
- Hiện ở TPHCM có 2 đơn vị nghệ thuật công lập cần được đầu tư về nơi tập luyện, con người, cơ chế, chính sách và điều kiện tổ chức biểu diễn. Sự đầu tư này phải có chiều sâu, mang tính chiến lược, chứ đừng đầu tư kiểu cho có. Cần thiết thì đặt hàng các tác phẩm chất lượng, mang tính quy mô. Không nên đầu tư để làm một tác phẩm diễn 1, 2 buổi rồi thôi, tiền tỷ bỏ ra đầu tư như vậy sẽ rất phí. Nên đầu tư “chọn mặt gửi vàng”, chọn các biên đạo giỏi, diễn viên giỏi để thực hiện tác phẩm (tùy theo chủ đề, phong cách, loại hình múa). Với một số tác phẩm múa kinh điển như Cánh chim mặt trời của NSND Thái Ly, Tuần đuốc của NSND Đặng Hùng… nên tái dựng để phục vụ khán giả thành phố cũng như đưa vào chương trình sân khấu du lịch để quảng bá nét đẹp văn hóa nghệ thuật múa Việt Nam.
Mặt khác, cần tránh tình trạng xây dựng các chương trình lễ hội xem múa là minh họa cho hát, dùng múa để khỏa lấp giọng hát yếu của ca sĩ. Cần thiết phải xây dựng một số tác phẩm múa lớn, có chủ đề, nội dung, ý nghĩa để chuyển tải những thông điệp tốt đẹp về con người, tính nhân văn, nhân sinh của cuộc sống. Tôi nhớ những năm 1985-1986 trở về trước, các bài múa được dàn dựng rất công phu, chăm chút, thể hiện được nét đẹp đặc sắc của ngôn ngữ múa. Những tiết mục múa minh họa cho hát nhưng vẫn thể hiện được nét đặc sắc rất riêng của nghệ thuật múa chuyên nghiệp, ví như những bài Những bông hoa trong vườn Bác, Trị An âm vang mùa xuân… do NSND Tô Nguyệt Nga đảm nhận vai trò biên đạo, dàn dựng rất tuyệt vời. Chúng ta phải phát triển nghệ thuật múa với tinh thần của thời kỳ vàng son ấy trong bối cảnh hiện đại và hội nhập.