* PHÓNG VIÊN: Với danh hiệu Đại diện danh dự âm nhạc Rumani tại Việt Nam vừa nhận được, chị có thể chia sẻ thêm về vai trò mới của mình?
- Nghệ sĩ ĐINH HOÀI XUÂN: Trên cương vị mới tôi không diễn tả nổi sự tự hào khi được nhận danh hiệu này. Danh hiệu do Đại sứ quán Rumani trao tặng, được Bộ Ngoại giao Rumani công nhận. Sau rất nhiều năm gắn bó với quốc gia Rumani xinh đẹp, mảnh đất lãng mạn ấy như đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Tôi muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho nền âm nhạc hai nước, đóng góp vào mối dây bền chặt trong quan hệ thân thiết, hữu hảo của hai đất nước mà tôi yêu thương.
* Trong hầu hết chương trình hòa nhạc được góp mặt, chị đều chọn một tác phẩm âm nhạc dân gian Việt Nam để thể hiện. Chị mong muốn qua âm nhạc, bạn bè quốc tế sẽ hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam?
- Các làn điệu dân ca chính là cầu nối hiệu quả đưa âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Không chỉ khán giả mà chính các nghệ sĩ quốc tế cũng rất ngạc nhiên và hào hứng khi thưởng thức làn điệu dân ca Việt Nam với các nhạc cụ phương Tây theo hình thức phối khí chuyển soạn thính phòng và giao hưởng. Các màn trình diễn này luôn đem đến cho người nghe và bản thân người nghệ sĩ nhiều cảm xúc thật đặc biệt.
Một trong những bản nhạc được chuyển soạn cho cello và dàn nhạc giao hưởng được khán giả yêu thích, đón nhận là bài Trống cơm của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, được chuyển soạn cho 3 cello và dàn nhạc giao hưởng cùng bản Trống cơm chuyển soạn cho 4 cello của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc.
* Chị là nữ tiến sĩ cello đầu tiên của Việt Nam. Hẳn là, người tiên phong sẽ gặp nhiều khó khăn?
- Tôi nghĩ, ai theo dòng nhạc này đều gặp nhiều khó khăn. Bản thân Hoài Xuân cũng như nhiều nghệ sĩ cổ điển khác, luôn cố gắng hết mình và khát khao cống hiến với những ngón đàn cảm xúc đẹp nhất dành tặng khán giả.
* Theo đuổi nghệ thuật, đặc biệt là khí nhạc, lĩnh vực vẫn được nhìn nhận là ít “đất” trong âm nhạc đại chúng, điều gì đã thôi thúc và giúp chị nuôi dưỡng đam mê này?
- Đó là tình yêu. Tình yêu với nhạc cụ mình chọn, tình yêu với âm nhạc cổ điển mình theo và tình yêu với gia đình, với cuộc sống tươi đẹp này. Càng khó khăn, tình yêu càng giúp tôi có thêm sức sáng tạo để tồn tại và phát triển theo nhiệt huyết đam mê và con đường riêng của mình.
* Đã có lúc nào chị có ý định dừng lại?
- Tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ dừng lại. Có cảm xúc, tâm hồn trọn vẹn với âm nhạc, với tôi đã là một gia tài! Tôi có cuộc sống bình thường tối giản, nên mọi năng lượng chỉ tập trung cho gia đình và âm nhạc mà thôi.
* Chị từng chia sẻ ý tưởng đưa cello đến trường học; tổ chức một cuộc thi cello dành cho những người Việt yêu nhạc cụ này trong và ngoài nước. Cho tới thời điểm này, dự án nào của chị đã định hình?
- Đây là những kế hoạch trong chuỗi hòa nhạc Cello Fundamento của Hoài Xuân và ê-kíp đặt ra hàng năm. Vì là những việc lớn, muốn đạt kết quả tốt cần nhiều thời gian để chuẩn bị, bởi vậy tôi sẽ không triển khai đồng loạt cùng lúc mà sẽ trải dài các năm tới. Hiện, dự án Cello Fundamento 5 với tên gọi “Một triệu bàn tay chạm cello” đã đến khá nhiều ngôi trường ở miền Trung và miền Bắc. Chúng tôi đang trong quá trình chuẩn bị cho các kế hoạch dài hơi tiếp theo.
* Thông tin toàn bộ album của Đinh Hoài Xuân được Believe (Pháp) - hãng phát hành âm nhạc lớn thứ tư thế giới ký hợp đồng phát hành lên kho nhạc số online Spotify, Apple Music mở ra nhiều tín hiệu lạc quan. Kinh nghiệm nào để có thể đưa được âm nhạc Việt ra thế giới?
- Trong nhiều bài viết trên facebook gần đây, tôi đều ưu tiên chia sẻ việc chuyển đổi số âm nhạc, một phần thể hiện tiến độ công việc của mình, một mặt nhằm lan tỏa đến nhiều nghệ sĩ khác trong chuyển đổi số.
Thực tế, các nghệ sĩ quốc tế đã tham gia và có nhiều thành quả với môi trường số. Việc thay đổi, tận dụng các ứng dụng công nghệ vào âm nhạc không những nâng cao ý thức về bản quyền mà còn đem lại cho nghệ sĩ doanh thu tốt. Phát hành nhạc trên các nền tảng trực tuyến như Spotify, Apple Music, Amazon Music, Tidal… là cơ hội không chỉ riêng ai, mở ra con đường phát triển rất bình đẳng cho tất cả nghệ sĩ. Theo đại diện của hãng tại Việt Nam, tôi là một trong những nghệ sĩ nhạc cổ điển đầu tiên của Việt Nam tham gia chuyển đổi số. Sau đó, tôi đã chia sẻ và kết nối đến các nghệ sĩ - những người bạn của tôi như nghệ sĩ cello Hà Miền, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, nghệ sĩ hát xẩm Thu Phương, ca sĩ Đỗ Tố Hoa, ca sĩ Tân Nhàn…
* Chị có thể chia sẻ với bạn đọc những dự định âm nhạc trong tương lai?
- Dịch Covid-19 đã làm nhiều kế hoạch của tôi bị thay đổi, như dự án mang cello đến trường học phải dừng lại; kế hoạch tham dự biểu diễn solo với dàn nhạc Oradea ở biên giới Rumani - Hungary cũng phải hoãn; nhiều chương trình khác cũng bị trì hoãn. Song đổi lại, thời điểm này tôi có thời gian tập trung cho việc luyện tập hàng ngày, điều này sẽ giúp tôi chơi đàn sâu lắng hơn, kỹ càng hơn.