Ngược lại, dù không có được bằng khen, danh hiệu, họ lại được công chúng, khán giả cả nước ghi nhận bằng cả tấm lòng vì những cống hiến hết mình của họ cho sân khấu, sàn diễn, phim ảnh…
1. 10 năm gần đây, nghệ sĩ Thanh Thủy ghi dấu ấn với khán giả bằng những vai có sức nặng tâm lý, đòi hỏi cả kỹ năng biểu diễn và những trải nghiệm cuộc sống. Chị được khán giả đánh giá là nghệ sĩ đa năng, có thể diễn từ bi đến hài; được mệnh danh là “nghệ sĩ của muôn mặt”, diễn như không diễn, có tài ứng biến nhanh. Chị tham gia khắp các sân khấu kịch như Idecaf, 5B, Nụ Cười Mới, đến hàng chục phim truyền hình, kịch truyền hình, kịch thiếu nhi, phim điện ảnh…
2. NSƯT Hữu Châu là ngôi sao sáng giá của sàn diễn Idecaf trong mấy chục năm qua. Những vai diễn của anh luôn tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả. Khi nhận bất cứ vai nào của sân khấu kịch, cải lương hay phim ảnh, anh đều nghiên cứu tỉ mỉ, đầu tư chỉn chu cho từng vai diễn.
Trong vai trò người thầy, NSƯT Hữu Châu thường răn dạy học trò việc rèn luyện đạo đức rồi mới tới những kỹ thuật biểu diễn. Theo anh, là người của công chúng càng phải trui rèn đạo đức nhiều hơn. NSƯT Hữu Châu luôn được nhiều thế hệ khán giả cũng như bao lớp học trò quý mến, thương yêu. Những đóng góp bền bỉ của anh cho sân khấu, phim ảnh trong mấy chục năm qua đã được Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu NSƯT. Nhưng với anh, vẫn còn một danh hiệu cao quý hơn chính là sự ghi nhận từ công chúng, khán giả. Cái tình mà khán giả trao tặng cho nghệ sĩ quý giá gấp vạn lần. Thước đo giá trị nhất đối với một nghệ sĩ trên con đường hoạt động nghệ thuật chính là sự thương yêu, quý mến mà khán giả dành cho nghệ sĩ ấy.
3. Thăm nghệ sĩ Lê Bình khi anh đang điều trị bệnh, nghe anh tâm sự về đời, về nghề càng cảm thấy quý trọng anh hơn. Với nghệ sĩ Lê Bình, được làm nghề, được khán giả quý mến, gặp là nhận ra ngay, tay bắt mặt mừng; có khán giả nghe tin anh bệnh, vượt hàng chục cây số để đến thăm hỏi… hạnh phúc không gì bằng!
Nghệ sĩ Lê Bình là một diễn viên, soạn giả, đạo diễn sân khấu kỳ cựu, có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng những năm 1980 - 1990 và tỏa sáng trên dưới ánh đèn sân khấu kịch nói bằng những vai diễn mang đậm bản sắc Nam bộ, chân chất, mộc mạc, nghĩa tình.
Nghệ sĩ Lê Bình đoạt nhiều huy chương khi tham gia các hội diễn sân khấu, nhưng anh không chọn cho mình con đường tìm đến với một danh hiệu nào. “Nghệ sĩ không nhất thiết phải có danh hiệu, được khán giả nhớ đến và yêu mến, đó là danh hiệu cao quý nhất”, anh chia sẻ.
Vẫn còn rất nhiều những nghệ sĩ thực sự là nghệ sĩ của nhân dân. Chỉ cần khán giả nhìn thấy ngoài đời là nhận ra ngay và gọi đúng phóc một số tên nhân vật mà họ từng thủ vai. Đó cũng chính là giải thưởng cao quý không gì sánh bằng, mà chỉ những nghệ sĩ của nhân dân vinh dự có được!