Nỗi buồn thất thu
Hàng năm, tháng Giêng, tháng 2 âm lịch là mùa chạy sô của nghệ sĩ sân khấu. Lệ thường, các nghệ sĩ phải chạy sô liên tục, tham gia hàng loạt chương trình nghệ thuật của các đài truyền hình, lễ hội, lễ kỳ yên, cúng đình, sự kiện được tổ chức khắp các địa phương tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành từ Nam ra Bắc. Nghệ sĩ sân khấu cải lương, hát bội, nhờ thế mà có nhiều cơ hội làm nghề, tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Thế nhưng, mùa tết này, dịch bệnh Covid-19 đã khiến các hoạt động mang tính chất tập trung đông người đều phải tạm ngưng tổ chức.
Phó Giám đốc Thường trực Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết: “Từ mùng 8 Tết đến nay, nhà hát đã dừng hết các hoạt động biểu diễn theo kế hoạch, cũng như diễn hợp đồng có doanh thu. Các suất diễn chầu (lễ kỳ yên) trong tháng Giêng âm lịch đều đã ngừng, một số địa phương dự tính tổ chức hội đình trong tháng 2 cũng vừa hủy hợp đồng. Tổng số suất diễn hát chầu bị hủy trong 2 tháng cao điểm lên đến 30 suất, giảm 50% doanh thu nhà hát. Mọi năm, hoàn thành các hợp đồng diễn trong 2 tháng sau Tết Nguyên đán là nhà hát đã hoàn thành được 50% chỉ tiêu kế hoạch. Giờ chỉ mong dịch mau qua để tháng 3 âm lịch nhà hát tranh thủ kiếm thêm các hợp đồng bù lại. Văn bản của Bộ VH-TT-DL ban hành không ghi thời gian được phép tổ chức các hoạt động biểu diễn trở lại, thế nên việc phải ngưng hết các hoạt động biểu diễn là nỗi khổ lớn, khiến tình hình của nhà hát gặp nhiều khó khăn”.
Nghệ sĩ Minh Trường chia sẻ: Mười mấy sô diễn lớn, các lễ hội, cúng đình đều bị hủy, kéo giảm 50%-60% nguồn thu nhập. Buồn nhưng phải cố gắng thích nghi. Giờ rảnh thì tôi vào phòng thu làm việc, tranh thủ thu âm mấy MV để đăng YouTube. Đến tháng 2 âm lịch, nếu bệnh dịch vẫn còn thì cầm chắc các sô diễn sẽ tiếp tục hủy.
Thời điểm này, NSƯT Kim Tử Long dành thời gian cho gia đình và quản lý nhà hàng. Anh bộc bạch: “Trước tết, tôi vừa sắm 15 bộ phục trang, chi phí hơn 100 triệu đồng, để phục vụ hát cúng đình trong tháng Giêng, tháng 2 âm lịch, giờ tất cả các sô đều bị hủy hết. Tôi rất buồn khi không được đi hát, nhưng vì dịch bệnh nguy hiểm nên đành chịu. Ngay cả hoạt động kinh doanh nhà hàng cũng giảm khách hẳn, doanh thu vì thế cũng giảm 30%-40%”.
Dịch kéo dài, học sinh nghỉ học liên tục nên NSƯT Lê Tứ - Hà Như đã cùng con trai về quê nội - ngoại ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, nghỉ ngơi, câu cá, thăm vườn, sum họp cùng gia đình, nghệ sĩ Hà Như chia sẻ: “Tất cả các sô diễn lớn nhỏ đều bị hủy hết. Nghỉ diễn, tôi ở nhà chăm con, lúc rảnh đăng Facebook quảng cáo bán khô cá một nắng các loại, tôm khô… Nghề tay trái làm cho vui. Tôi cũng tranh thủ đưa cả nhà về quê hít thở không khí trong lành ít bữa”.
Chuẩn bị các dự án
Nỗ lực vượt qua những trở ngại trước mắt, nghệ sĩ Minh Trường đang ấp ủ một chương trình nghệ thuật cho riêng mình vào cuối năm, kỷ niệm 10 năm quay trở lại gắn bó với sân khấu cải lương. NSƯT Kim Tử Long cũng đang duy trì nhịp độ công việc: thu âm các bài cải lương hồ Quảng và quay ngoại cảnh để đưa lên YouTube. Ngoài ra, anh cũng hy vọng liveshow Kim Tử Long - Thánh đường sân khấu và vở cải lương Lưu Kim Đính ở Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng vào 2 ngày 21 và 22-3 sẽ không bị hủy. NSƯT Lê Tứ cũng có những trăn trở với vai trò huấn luyện viên cho các nghệ sĩ trẻ tham gia giải thưởng Trần Hữu Trang năm 2020, do Sở VH-TT TPHCM và Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức. Đây là một sân chơi dành cho các diễn viên trẻ triển vọng của sân khấu cải lương nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ xứng đáng là lực lượng kế thừa.
Riêng với đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ thì ưu tiên ở nhà nghiên cứu các tư liệu lịch sử, viết tuồng và chờ cho tình hình dịch bệnh ổn mới bắt đầu tập hợp nghệ sĩ để chuẩn bị lên sàn vở diễn mới. Trong năm nay, đạo diễn sẽ dựng vở dã sử Lạc Phủ và vở lịch sử Hồ Quý Ly. Hai tuồng mới sẽ khởi động vào khoảng quý 3-2020”.
Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang Phan Quốc Kiệt cho biết: Nhà hát tập trung sắp xếp lại bộ máy nhân sự, điều phối công việc chuyên môn, để sau đợt nghỉ dài ngày vì dịch, khi hoạt động trở lại, công tác tổ chức biểu diễn của nhà hát sẽ đi vào nề nếp. Theo kế hoạch, nhà hát sẽ chú trọng đầu tư dàn dựng 2 vở sân khấu lớn, quy mô. Bên cạnh đó sẽ kết nối, phối hợp với các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa như sân khấu Vũ Luân, Chí Linh - Vân Hà, NSND Thanh Ngân, NSƯT Thoại Mỹ… tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang để làm đa dạng các tác phẩm. Nhà hát cũng đã mời soạn giả Hoàng Song Việt tham gia với vai trò cố vấn nghệ thuật, giúp chương trình Thắp sáng niềm tin trở lại, sáng đèn thường xuyên hơn, tạo nhiều đất diễn cho anh em nghệ sĩ, diễn viên trẻ...".