Ngày hội của sân khấu
Liên hoan là một trong những sự kiện văn hóa - nghệ thuật lớn do Bộ Công an phối hợp với Bộ VH-TT-DL, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức. Sau 3 lần diễn ra, tới nay liên hoan đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người làm nghệ thuật và công chúng, trở thành ngày hội lớn của giới sân khấu cả nước.
Với các loại hình kịch nói, chèo, cải lương, ca kịch và kịch hình thể, liên hoan đã đem đến công chúng cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn ở nhiều góc độ về công việc và cuộc sống, những hy sinh, vất vả của người chiến sĩ công an. Theo ban tổ chức, liên hoan lần này có số lượng vở diễn, đoàn tham dự đông nhất từ trước đến nay.
Năm nay, đề tài về phòng chống tội phạm ma túy có 11 kịch bản; điều tra phá án có 12 kịch bản; đấu tranh loại bỏ tiêu cực có 3 kịch bản; chống tệ nạn xã hội có 3 kịch bản; chống tham nhũng tiêu cực có 3 kịch bản; đấu tranh với các thế lực phản động có 3 kịch bản; đề tài chính luận khác có 3 kịch bản.
Liên hoan không chỉ thu hút các đơn vị sân khấu công lập mà còn khá nhiều đơn vị sân khấu ngoài công lập; không chỉ có các đơn vị sân khấu ở trung ương, các thành phố lớn mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Tham gia dàn dựng tác phẩm có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, kỳ cựu trong giới.
Từ nhiều tháng qua, tập thể diễn viên, nghệ sĩ ở các nhà hát từ Bắc chí Nam đã miệt mài tập luyện và đang ở những bước chuẩn bị cuối cùng cho ngày hội của người làm sân khấu.
Lan tỏa hình ảnh đẹp
Là một trong số ít các đạo diễn ở phía Nam ra Bắc dàn dựng vở diễn sân khấu, NSND Trần Ngọc Giàu đã dành nhiều tâm huyết cho vở Chuyên án Z5 của Nhà hát Công an nhân dân. Đạo diễn chia sẻ: “Đề tài của vở diễn không mới, thậm chí là những câu chuyện mà chúng ta đã quen, đã thấy nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như quan chức cấp cao, đứng đầu tỉnh sai phạm, bị ra tòa. Nhưng đây là vở đầu tiên mà tôi tham gia đưa các câu chuyện như thế này lên sân khấu”.
Để vở diễn tiếp cận gần hơn với người xem, đạo diễn đã cố gắng thổi không khí đời sống qua các chi tiết rất đời thường và đi sâu vào tâm lý nhiều hơn là trình bày vấn đề. “Chúng tôi cố gắng làm mềm hóa đi, để nội dung trong vở diễn không nặng về vấn đề mang tính nghiệp vụ và đẩy mạnh khai thác nhân vật ở góc độ con người. Ở đó, cán bộ chiến sĩ công an có những trăn trở, có những tiếc nuối, đôi khi bắt đối tượng phạm tội nhưng cũng trĩu nặng tâm tư, chứ không đơn thuần là sự hài lòng vì đã hoàn thành nhiệm vụ, khép lại được một vụ án”, NSND Trần Ngọc Giàu tâm sự.
Lần đầu tiên “chạm ngõ” đưa hình tượng chiến sĩ công an nhân dân lên sân khấu, Nhà hát Cải lương Việt Nam đặt kỳ vọng lớn vào tác phẩm tiểu thuyết Bão ngầm, với việc quy tụ lực lượng diễn viên hùng hậu hơn 50 người. Từ miền Nam, Đoàn Nghệ thuật Long An tham dự liên hoan với vở diễn Giọt máu người yêu, đạo diễn trẻ Huỳnh Mơ chia sẻ: “Cách đây 30 năm, kịch bản Đồng tiền đẫm máu đã thành công vang dội, vì thế, khi dựng vở này, tôi đổi tên thành Giọt máu người yêu, chọn góc nhìn của một người trẻ và hiện đại để tiếp cận vở diễn”.
Liên hoan cũng kỳ vọng nhiều vào các đơn vị: Nhà hát Kịch Việt Nam với vở Nữ cảnh sát SBC; Sân khấu Lệ Ngọc với Hoa sen lửa và Tình bạn và công lý; vở Ngày trở về của Nhà hát chèo Quân đội; vở kịch nói Ngọn gió trong đêm của biên kịch Nguyễn Toàn Thắng; Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM dựng vở cải lương Đóa Sen Việt…
Ban tổ chức mong muốn thông qua sức lan tỏa từ liên hoan, hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân được chuyển tải trong các tác phẩm sân khấu sẽ khiến nhân dân hiểu và thêm tin yêu, đồng hành nhiều hơn cùng lực lượng công an trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự, gìn giữ bình yên cho quê hương, đất nước.