Nghề nuôi yến (thực chất là xây nhà rồi dẫn dụ yến vào ở - yến nhà nuôi) xuất hiện ở nước ta khá muộn so với những nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia (gần 100 năm), Malaysia (gần 40 năm), Thái Lan (30 năm). Vì “đi sau” nên sự hiểu biết và kinh nghiệm nuôi yến chưa nhiều, do vậy có người phất lên nhanh nhưng cũng không ít người thất bại.
Cần Giờ bão hòa nguồn thức ăn đàn yến?
Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam (VSFA), ngôi nhà nuôi yến đầu tiên được xây ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TPHCM vào năm 2003, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi từ khai thác tổ yến (yến sào) tự nhiên sang dẫn dụ yến vào nhà ở để làm tổ. Đến nay, nghề này đã lan ra 41 tỉnh, thành, có khoảng 5.800 nhà nuôi yến với diện tích khoảng 1,06 triệu m2, tổng đàn yến khoảng 6,1 triệu con, sản lượng tổ yến thu hoạch trung bình 40 tấn/năm, tạo ra sản phẩm hàng hóa tương đương 800 tỷ đồng/năm.
Cũng theo khảo sát của VSFA, tỷ lệ thành công nghề nuôi yến xấp xỉ 50%, riêng TPHCM là 54,6%. Có thể nói, với kinh nghiệm còn hạn chế, kỹ thuật nuôi chưa hoàn thiện như các nước trong khu vực nên với tỷ lệ này, cơ hội thành công là “5 ăn - 5 thua”.
Tại huyện Nhà Bè và Bình Chánh, tuy có số lượng nhà nuôi yến tương đối nhiều nhưng 2 địa phương trên đề xuất không tiếp tục quy hoạch phát triển mà chỉ cho tồn tại nhà nuôi yến hiện hữu để ổn định hiện trạng, nâng cao hiệu quả. Đồng thời, không gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
Chỉ huyện Củ Chi, quận 9, nhất là huyện Cần Giờ, do có điều kiện thổ nhưỡng, sông nước, có khu dự trữ sinh quyển, địa hình giáp biển, cửa sông, nguồn thức ăn (phù du, côn trùng) còn tương đối dồi dào, thích hợp với đàn yến, mật độ dân số còn thấp nên đề xuất tiếp tục phát triển nhà nuôi yến.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, người đi sau nên cẩn trọng việc xây nhà yến tại huyện Cần Giờ vì sự phát triển số lượng nhà nuôi yến quá nhanh trong thời gian ngắn sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn cho đàn yến.
Những hiện tượng bất thường
Có nhiều yếu tố tác động đến thành công hay thất bại đối với nhà nuôi yến. Theo ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tầm Cao Việt, thành viên VSFA, có thể nói kỹ thuật nuôi chính là yếu tố nòng cốt của sự thành - bại. Với kỹ thuật xây dựng và lắp đặt thiết bị tốt, không chỉ thu hút chim yến về ở nhiều và nhanh mà còn giúp nhà yến phát triển bền vững. Có thể tóm gọn kỹ thuật xây nhà nuôi yến như sau “mưa không ồn, nắng không nóng, thoáng không khí, không lọt sáng, ngăn phòng hợp lý, tạo đường bay độc lập”. Ngược lại, nếu không am hiểu hay chưa đáp ứng các điều kiện trên, sẽ dẫn đến thất bại.
Ông Nguyễn Kiên Cường cũng thống kê có đến 188 lý do dẫn đến thất bại. Với môi trường sinh thái nhiều vùng miền khác nhau, thời tiết thổ nhưỡng cũng khác nhau nên kỹ thuật xây nhà nuôi yến cũng không thể giống nhau và việc xử lý kỹ thuật cũng khác nhau.
Ở các tỉnh phía Bắc, nhà nuôi yến ngoài việc làm mát còn phải tính đến việc lắp đặt hệ thống xử lý nhiệt (hơi ấm) vào mùa đông. Mấy năm trước, khi xuất hiện rét đậm, rét hại đã làm chết 70% - 80% vì đàn yến bị lạnh, đói, khát vào mùa đông.
Miền Trung, vùng ven biển phải thiết kế thông thoáng, nhưng hạn chế gió lùa thẳng vào nhà do khu vực này thường có mưa bão, gió nhiều và mạnh khiến chim không thể về tổ. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên cần đảm bảo thoáng mát vì còn chịu ảnh hưởng của gió Lào nóng bức và độ ẩm cao.
Nhà yến phải chú ý đến hệ thống tạo ẩm và tường vách thông thoáng. Còn ở miền Nam có nền địa chất yếu nên chọn vật liệu xây dựng nhẹ, nhưng bền để giảm tải…
Hiện nghề nuôi yến tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan đang có dấu hiệu trì trệ do thiên tai, tốc độ đô thị hóa nhanh, xuất hiện nhiều resort ven biển… đã làm mất nguồn thức ăn của đàn yến.
Còn nghề nuôi yến ở Việt Nam tuy đang phát triển, nhưng một số nhà chuyên môn khuyến cáo, đến thời gian nào đó cũng sẽ gặp tình cảnh tương tự, sản lượng tổ yến có tăng nhưng không nhiều (khoảng 5%-8%/năm) và sau đó có thể bị sụt giảm.
Cuối năm 2017, sản lượng tổ yến tại cù lao Chàm (Quảng Nam) giảm mạnh; tại huyện Cần Giờ (TPHCM), bà Trần Bạch Mai, người đi đầu xây nhà dẫn dụ yến cho biết, cuối năm 2017, có những điều rất lạ xảy ra trong nhà yến như yến làm tổ rồi nhưng không đẻ trứng hoặc làm tổ rất chậm.
Hay đẻ trứng rồi không chịu ấp mà đá trứng rơi xuống trắng cả sàn nhà. Tỷ lệ này lên đến 50% - 60%. Ngay cả tổ làm rồi nhưng nhìn như bị “yếu”, có cảm giác non, sợi yến không dày như trước. Còn có hiện tượng số lượng chim giảm đột ngột (khoảng 50%), không biết bỏ đi đâu, trong khi chim yến làm tổ ở đâu thì chết tại đó. Nếu có, chỉ con nhỏ bay đi tìm nơi ở mới...
Sau nhiều năm tăng về số lượng nhà yến, qua khảo sát của Sở NN-PTNT TPHCM vào cuối năm 2017 cho thấy, số lượng nhà nuôi yến trên địa bàn TP (19 quận, huyện) chỉ còn 513 nhà, giảm 35 nhà so với năm 2015, do nuôi không hiệu quả. |