Hệ thống có tên gọi HandySense, là hệ thống mã nguồn mở thúc đẩy các giải pháp trang trại. Kết quả đo đạc của HandySense được hiển thị trên ứng dụng di động, giúp nông dân có thể kiểm soát môi trường canh tác và đưa ra thời gian tưới nước chính xác hơn, đảm bảo cho cây trồng phát triển trong những điều kiện thích hợp. Đến nay, HandySense đã được triển khai miễn phí cho các nhóm nông dân tại 34 khu vực thí điểm ở 11 huyện của tỉnh Chachoengsao.
Hãng Total Access Communication đang hỗ trợ thẻ sim 5G cho các thiết bị IoT (Internet vạn vật) được liên kết với hệ thống HandySense. Các camera độ nét cao liên kết với mạng 5G có thể được sử dụng để giám sát mùa màng tại các trang trại. Thông qua hình ảnh ghi từ camera, nông dân có thể đánh giá sự phát triển của cây trồng và sự xuất hiện của sâu bệnh.
Theo giới chuyên gia nông nghiệp, HandySense rất hữu ích trong việc lập kế hoạch canh tác trong tương lai, có khả năng tiết kiệm chi phí và thời gian cho nông dân. Nếu HandySense được lắp đặt trên toàn quốc, nguồn dữ liệu thu được từ các hoạt động nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho giới khoa học trong việc phân tích, nghiên cứu để làm sáng tỏ các điều kiện thích hợp nhất cho bất kỳ loại cây trồng nào, kể cả các chất dinh dưỡng mà cây trồng cần. Một khi hồ sơ của từng loại cây trồng được thiết lập sẽ có thể tạo ra các cơ chế và công cụ để canh tác hiệu quả.
Sự đa dạng sinh học tự nhiên đã giúp Thái Lan trở thành một nước sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới hàng đầu thế giới. Lợi thế này đã thu hút các doanh nghiệp nước ngoài rót vốn đầu tư vào những dự án nông nghiệp ở Thái Lan và thu được nhiều thành công.
HandySense là một trong những dự án phát triển nông nghiệp bền vững được Chính phủ Thái Lan thúc đẩy phát triển nhằm đưa nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thông qua việc tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên dồi dào và tăng thêm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, việc triển khai HandySense cũng gặp một số trở ngại do nông dân Thái Lan vẫn chưa sử dụng thuần thục các ứng dụng công nghệ mới. Để hỗ trợ nông dân, Nectec đã mở những buổi tập huấn hướng dẫn họ cách sử dụng các thiết bị và áp dụng hệ thống.
Bên cạnh việc ứng dụng hệ thống canh tác mới, Thái Lan còn khởi động chiến dịch khai thác nước ngầm tại các khu vực khô cằn nhất để sử dụng nguồn tài nguyên nước ở sâu trong lòng đất. Cơ quan quản lý nước ngầm Thái Lan đã cử chuyên gia địa chất đến các khu vực chưa có mạng lưới tưới tiêu và vùng thiếu nước tưới trong bối cảnh mực nước trong các đập đều đã cạn kiệt.
Tại tỉnh Yasothon (Đông Bắc), một trong số 25 trạm nước quanh 937 giếng nước ngầm trong tỉnh đã được triển khai máy bơm nước chạy bằng năng lượng Mặt trời. Để kiểm soát các nguồn cung nước trong tương lai, nhà chức trách Thái Lan đang nghiên cứu phát triển thêm hàng trăm nguồn cung cấp nước ngầm trong thời gian tới.