“Khóc” vì người dân báo cháy chậm
9 giờ sáng, đập vào mắt tôi là cảnh mấy anh lính đang ngủ vùi. Thấy tôi, thiếu tá Lê Minh Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 11, TPHCM, đưa tay lên miệng ra hiệu nói khẽ, đoạn kéo tay tôi vào phòng. “Anh em vừa đi chữa cháy về đấy! Cháy tuy không lớn nhưng có đến 3 nạn nhân bị chết ngạt trước khi chúng tôi đến. Đau lòng quá chị ạ!”.
Nhìn khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi của anh, tôi hiểu anh và đồng đội vừa trải qua trận quyết chiến sinh tử với giặc lửa. Sợ làm phiền, tôi toan cất bước quay về thì anh mời tôi vào phòng. Với tay lấy ấm trà vừa pha xong, anh rót vào ly cho tôi rồi nhẹ giọng kể: 5 giờ 16, chúng tôi nhận được tin báo cháy ở đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11.
Chỉ chưa đầy 3 phút, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường, khi đó ngọn lửa đã bao trùm phần lớn tầng trệt và gác lửng của ngôi nhà, diện tích khoảng 90m2. Nhiều cấu kiện công trình đã sụp đổ, đặc biệt có 3 người còn mắc kẹt bên trong.
Thời gian lúc ấy đối với chúng tôi được tính bằng giây, tôi ra lệnh cho anh em triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, vừa dập lửa, ngăn cháy lan vừa cứu người bị nạn. Mọi động tác phải nhanh, gọn, chính xác. Thế nhưng, dù đã hết sức cố gắng nhưng do người dân báo cháy chậm, 3 nạn nhân đều là người bị hạn chế khả năng vận động, bên cạnh đó diện tích nhà hẹp nhưng chứa quá nhiều đồ đạc, lại để bừa bộn chắn hết lối thoát nạn nên 3 nạn nhân không thể thoát ra ngoài, dẫn đến chết ngạt.
Anh thở dài nói nhỏ: “Không biết rồi cuộc sống của 3 hộ gia đình với 15 nhân khẩu sẽ ra sao khi tất cả bị cháy hết. Nói thật với chị, ánh mắt thất thần của người chồng, người cha của 3 nạn nhân chết trong vụ cháy này cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi thấy mình có lỗi”. Giọng anh nghẹn lại, mắt đỏ hoe.
Anh tặc lưỡi: Khổ! Lính chữa cháy chúng tôi khổ lắm, nhưng khó khăn gian khổ bao nhiêu cũng vượt qua được, không biết sợ là gì; thế nhưng, chỉ cần người dân báo cháy chậm thì cuộc xuất quân đó dù nhanh đến thế nào đi chăng nữa thì hậu quả để lại đều vô cùng lớn. Vì vậy, đã không ít lần những người lính chữa cháy kiên cường ấy phải rơi nước mắt, thấy mình bất lực trước đau thương không dễ nguôi ngoai của những gia đình bị mất người thân sau mỗi vụ cháy.
“Cười chảy nước mắt” vì lặn tìm nạn nhân
Sáng 3-1, tôi có mặt bên bờ sông Rạch Chiếc, đoạn gần cầu Cống Đập, khi hàng chục lính Phòng Cứu hộ cứu nạn, Cảnh sát PCCC TP, đang lặn tìm nạn nhân, sau khi người dân phát hiện trên bờ có dấu vết từ mặt đường đến vị trí chiếc xe máy nằm chỏng chơ bên mép sông và báo cho lực lượng 114.
Vừa trải qua đợt áp thấp nhiệt đới nên thời tiết vẫn còn khá lạnh, nhưng do yêu cầu khẩn trương của nhiệm vụ, hàng chục cán bộ, chiến sĩ trong trang phục người nhái nhanh chóng lặn xuống dòng sông đen kịt, đầy rác để tìm kiếm người bị nạn. 3 giờ, rồi 4 giờ trôi qua cũng chẳng thấy gì. Sự căng thẳng, mệt mỏi hiện lên trên khuôn mặt của các anh… Bỗng có lệnh dừng cuộc tìm kiếm. Thì ra, nạn nhân do uống quá chén nên không làm chủ được tay lái, khi chạy ngang qua khu vực đó thì bị ngã xe và rớt xuống sông. May mắn, anh kịp “tỉnh” lại, ngoi lên bờ và bỏ lại xe máy để về nhà ngủ. Đến khi tỉnh rượu, anh mới hốt hoảng khi đọc tin về sự việc và thấy xe của mình nằm dưới chân cầu nên đến cơ quan công an trình báo!
Ăn vội miếng bánh mì để lấy sức tiếp tục chiến đấu với giặc lửa
Những người lính cứu nạn cứu hộ kết thúc nhiệm vụ trong tâm trạng “cười ra nước mắt”. Dù sao, các anh cũng đã hết lòng vì nhiệm vụ, chịu đói, chịu rét và mệt lả người, trong khi nạn nhân đang “say” trong nệm ấm, chăn êm.
Một mùa xuân nữa lại về, những người lính PCCC vẫn gắn mình với trách nhiệm mang bình yên và hạnh phúc đến với mỗi mái ấm gia đình. Dù chẳng năm nào các anh có một cái tết trọn vẹn bên gia đình, người thân. Dù một chút buồn, một chút chạnh lòng nhưng cũng chỉ thoáng qua.
Vâng! Người lính PCCC dù ở địa phương nào cũng thế, được làm việc yêu thích và trân quý thì dù khổ đến đâu, họ vẫn thấy vui và tự hào.