Không khí tại cơ sở sản xuất trống Đọi Tam của ông Nguyễn Quang Thắng (59 tuổi) tại đường Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi, nhộn nhịp hơn hẳn khi Tết Trung thu đang đến gần.
Năm nay, ông Lê Thế Khánh (57 tuổi, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) lại tất bật vào với cơ sở của ông Thắng để phụ giúp gia đình làm trống Đọi Tam.
Ông Nguyễn Quang Thắng (59 tuổi) từ Hà Nam vào định cư và mở cơ sở tại đường Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Khánh cho biết, ông quê Hà Nam, trước là làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, sau sáp nhập thành xã Tiên Sơn, nơi có nghề làm trống lâu đời. Ông Khánh vào trong này giúp gia đình anh Thắng, công việc chủ yếu là lắp ráp, hoàn thiện trống các loại to, nhỏ phục vụ dịp Tết Trung thu.
"Tôi vào đây từ tháng 6 âm lịch để làm trống cho đến hết tháng 8 âm lịch. Nghề làm trống ở Đọi Tam phát triển rất mạnh, có mặt khắp cả nước. Anh Thắng xa quê vào Quảng Ngãi lập nghiệp nhưng khi cần thì người ở làng quê lại khăn gói vào giúp anh”, ông Khánh nói.
Ông Khánh và ông Thắng đều xuất thân từ làng trống Đọi Tam. Ông Khánh cho biết, làng Đọi Tam có nghề làm trống truyền thống, tương truyền khoảng hơn 1.000 năm. Trống Đọi Tam có tục lệ “cha truyền con nối”, con trai trong làng biết làm trống từ khi còn rất nhỏ. Ông Khánh và ông Thắng đã làm trống từ năm 9,10 tuổi và khi lớn hơn thì theo cha rong ruổi khắp các tỉnh, thành để làm trống, bán trống.
Ông Thắng rời làng Đọi Tam vào tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1987 và bắt đầu với nghề bán trống, sửa trống dạo cho các đền chùa, làng mạc. Đến năm 2000, ông dẫn vợ con vào định cư tại Quảng Ngãi. Đến nay, ông đã gắn bó với nghề làm trống gần 50 năm. Ông Thắng chia sẻ: “Ở làng Đọi Tam, rất nhiều người mang theo nghề đi khắp cả nước, ở những nơi họ định cư thì nơi đó có nghề làm trống. Tôi có 3 người con trong đó người con trai của tôi nối nghiệp cha mở cơ sở làm trống cũng ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi”.
Ông Lê Thế Khánh (57 tuổi, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) vào Quảng Ngãi để giúp gia đình ông Thắng làm trống trong dịp Tết Trung thu. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Nghề làm trống có 3 khâu là làm da, làm tang và bưng trống. Da trống là da trâu, loại da càng già thì trống càng có độ vang. Đây là công đoạn tốn thời gian nhất và nguyên liệu được chuẩn bị từ những tháng đầu năm.
Tiếp đến, thân trống được chọn từ gỗ mít, xoan đào, người xưa có câu “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”, do đó, gỗ mít thường được chọn để xẻ nhỏ từng thanh có độ dài và độ dày tùy theo từng kích cỡ trống. Sau khi ráp thân trống thành tang trống, người thợ phơi khô ngoài trời. Bước cuối cùng là bưng, bịt mặt trống, thợ làm trống dùng dây thừng căng da trâu làm thành mặt trống.
Một chiếc trống đang được bưng, bịt mặt trống bằng cách dùng dây thừng căng da trâu. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Chiếc trống lớn nhất mà ông Thắng từng làm có đường kính 1,5m, chiều cao 1,7m ở một nhà thờ tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành. Mỗi năm, vào đầu năm học đến Tết Trung thu sang năm mới, cơ sở của ông Thắng tấp nập người đến đặt hàng, sửa chữa trống…
Ông Thắng cho biết: “Trống Tết Trung thu có giá từ 40.000 đến 3,5-4 triệu đồng/cái, tùy theo chất lượng, kích cỡ trống. Nhiều khách có nhu cầu hàng đặc biệt thì tôi phải chọn mít lõi, da trâu loại dày, đặc chủng và thời gian làm trống lâu hơn nhiều so với các loại trống thông thường”.
Dịp Tết Trung thu này, ông Thắng đã làm hơn 2.000 chiếc trống đủ kích cỡ, màu sắc. Ông Thắng chia sẻ: “Người làng Đọi Tam dù đi đâu cũng mang theo nghề truyền thống quê hương phát triển các xứ khắp Tổ quốc. Vào cuối năm, dù người làng Đọi Tam ở đâu cũng gửi tấm lòng về quê để cúng tổ nghề”.
Hiện nay, tại tỉnh Quảng Ngãi có 4 hộ chuyên làm trống đều đến từ làng Đọi Tam, các cơ sở đều đang tất bật sản xuất trống để phục vụ thị trường.
>> Cận cảnh nghề làm trống Đọi Tam phục vụ Tết Trung thu ở xứ Quảng:
Ông Thắng đang phơi thân trống sau khi đã hoàn thành lắp ráp các thanh gỗ mít. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Dịp Tết Trung thu năm nay, ông Thắng làm khoảng 2.000 chiếc trống lớn, nhỏ. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Khánh từ tỉnh Hà Nam cũng vào giúp gia đình ông Thắng làm trống. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Theo ông Khánh, ở làng Đọi Tam vào mùa Tết Trung thu rất bận rộn, nhưng người ở xa quê lập nghiệp nếu cần thì mọi người đều vào giúp đỡ. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Một chiếc trống lớn đang được ông Khánh căng da trâu làm mặt trống. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Rất nhiều chiếc trống nhỏ đang hoàn thiện để phục vụ thị trường. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Thắng dùng máy móc để cắt xẻ thanh gỗ mít, xoan đào. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Lắp ghép các thanh gỗ lại với nhau. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Phụ nữ giúp đỡ khâu làm mặt trống. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Từng mặt trống làm bằng da trâu được buộc lại. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Thắng chia sẻ về chuyện lập nghiệp xa quê. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Đây là chiếc trống đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Người làng Đọi Tam dù đi đâu cũng mang theo nghề làm trống. Ảnh: NGUYỄN TRANG |