Về Thu Xà, không khó nhìn thấy hình ảnh người dân phơi nhang bên những khoảng sân rộng trước nhà, hương nhan ngào ngạt.
Thứ tạo nên mùi thơm đặc trưng của nhang là hương liệu. Bà Đặng Thị Đức (thôn Thu Xà) cho biết: “Cây nhang được làm từ vỏ quế, lá quế, thân quế nên hương quế. Thế nên, hương quế là mùi hương đặc trưng của xứ này".
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Thu Xà từng là thương cảng lớn vùng Trung - Trung Bộ, chỉ sau Hội An (Quảng Nam). Thu Xà là nơi buôn bán hưng thịnh, qua nhiều thế kỷ, cộng đồng Việt - Hoa đã làm nên một thương cảng lớn. Thu Xà tập kết nhiều loại hàng buôn, trong đó quế, cau, trầm, kỳ, sa nhân, mật ong. Cũng từ đây, người dân đã mở mang rất nhiều ngành nghề như làm đường mía, chiếu cói, kẹo gương, nhang quế… Cho đến nay, nghề làm nhang quế vẫn được giữ gìn và phát triển nhất so với các nghề còn lại.
Bà Đức chia sẻ, Thu Xà chủ yếu có 2 loại nhang là nhang quế và nhang dược liệu, nguyên liệu làm nhang về cơ bản gồm tăm, bột cây quế, bột keo… Ngoài ra, đối với nhang dược liệu thì cần bổ sung một số loại dược liệu như hương bài, đinh lăng, bạch chỉ, bạc hà… Những dược liệu này được thu hái, phơi sấy để giữ được dược tính của cây thuốc, xay nhuyễn thành bột để làm nhang. Người làm nhang sử dụng máy ép để ép bột đều vào cây nhang làm thành phẩm.
Trong suốt tháng Chạp, bà Đức cùng chồng vẫn ngày đêm cặm cụi làm nhang, trung bình khoảng 20kg bột nhang để làm hàng trăm ngàn cây nhang trong tháng.
Đối với nhiều người dân Thu Xà, nghề làm nhang có tính thời vụ, chỉ tập trung dịp gần tết, tuy nhiên một số gia đình đã coi trọng nghề làm nhang và làm xuyên suốt cả năm như gia đình ông Vương Đẩu.
Ông Vương Đẩu cho biết: “Nghề làm nhang vừa giữ nghề của cha ông, vừa đáp ứng nhu cầu lại có thêm thu nhập. So với nghề ruộng đồng, nghề làm nhang đỡ cực hơn. Những ngày tháng Chạp, hàng nhiều hơn, làm cả đêm ngày, lại thuê thêm người làm phụ việc phơi nhang”.
Tháng Chạp này, ông Đẩu làm 30-40kg bột nhang, trung bình cứ 1.000 cây nhang bán ra 35.000-40.000 đồng, riêng nhang thảo dược thì giá cao hơn (khoảng 100.000 đồng).
Nhang sau khi làm xong sẽ được phơi từ 1-2 nắng, sau đó đóng gói và xuất bán. Những năm gần đây, nhang thảo dược được ưa chuộng nên đa số các hộ làm nhang đều sản xuất nhang thảo dược để phục vụ tết.
Hiện nay, hàng trăm hộ dân ở xã Nghĩa Hòa vẫn giữ nghề làm nhang. Khi ngành nghề truyền thống đang dần mai một, những người dân nơi đây âm thầm góp thêm hương cho cuộc đời, đặc biệt những ngày tết đến, xuân về.