Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia |
Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là một nghề thủ công truyền thống, hình thành từ giữa thế kỷ XIX và được trao truyền tiếp nối qua nhiều thế hệ. Trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển, nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng vẫn còn lưu giữ những giá trị truyền thống, mang tính văn hóa sâu sắc được kết tinh từ những thành quả lao động và sáng tạo của những người dân nơi đây.
Nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng đã tồn tại hơn 100 năm |
Hiện phường Thuận Hưng (thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có 4/4 khu vực đều có người làm nghề bánh tráng, tập trung nhiều nhất là khu vực Tân An và Tân Phú. Tổng số có 58 hộ với 250 người sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống thường xuyên liên tục. Ngoài ra, còn có khoảng 30 lò truyền thống sản xuất cung ứng cho thị trường dịp tết đến. Bánh tráng Thuận Hưng hiện có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Bánh tráng Thuận Hưng vẫn giữ cách làm thủ công truyền thống |
Để làm nên những chiếc bánh tráng thơm ngon, giữ nguyên hương vị đặc trưng, người làm bánh tráng ở Thuận Hưng sử dụng nguyên, vật liệu tại chỗ để chế biến.
Trải qua thời gian, đến nay, quy trình sản xuất bánh tráng Thuận Hưng không có nhiều sự thay đổi, ngoại trừ người làm bánh tráng truyền thống có sử dụng thêm một số loại máy móc để hỗ trợ sức người như: máy xay bột, máy nạo dừa. Thế nhưng, trong các khâu chính như: pha bột, tráng bánh, phơi bánh đều bằng tay, cùng với kinh nghiệm của người thợ làm bánh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu: Đảng bộ, chính quyền quận Thốt Nốt cần quan tâm hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nghề làm bánh tráng Thuận Hưng; luôn quan tâm tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ bà con xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng gần xa; tạo thêm sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc trưng của TP Cần Thơ.