Vẻ đẹp Tây Nguyên trong tranh của họa sĩ Xuân Thu mộc mạc như những tấm áo người dân bản địa phơi để chờ đón ngày hội về (tác phẩm Chờ tháng Ba về, 80x200cm), hoặc cái đẹp bên bếp than (tác phẩm Bếp nồng, 50x100cm), hay cái đẹp của những con người bình dị nằm bên nhau trong mái nhà sàn nghe sử thi (tác phẩm Nằm nghe kể Khan, 120x240cm)… Những vẻ đẹp bình dị ấy như một khúc than hồng được ấp ủ đến lúc hé cười, sưởi ấm.
Họa sĩ Xuân Thu chia sẻ: “Với tôi, người Tây Nguyên có sự tự do, mộc mạc, mạnh mẽ trong tự thân của họ. Đây cũng là giá trị tinh thần thực sự của vùng đất này”. Sau nhiều năm tháng gắn bó, điều này biến thành nét vẽ của họa sĩ Xuân Thu, chị dùng nó một cách tự nhiên, ngọt lịm, mà không cần phải quá chú tâm, cố gắng. Tranh của chị có sự mộc mạc, tự do và mạnh mẽ như chính giá trị chân thực từ đời sống Tây Nguyên mà chị cảm nhận được, vì chị đã là một phần của hồn cốt Tây Nguyên.
Có lẽ với Hồ Thị Xuân Thu, khi một bức tranh có sự tương đồng về mặt cảm xúc với người vẽ, thì sẽ dễ dàng nhận ra sự giao thoa, hòa quyện. Ngay lúc ấy, tranh đã có cái hồn của nó. Khi cảm nhận được sự ấm nồng từ tranh thì nó đã xong, còn khi nó chưa giúp mình chạm được sự ấm nồng thì chị còn vẽ tiếp. Cái hồn trong tranh chị có thể nhận ra từ các nhân vật đang hỏi thăm nhau, dải khăn quấn đang hỏi thăm nhau, những bàn chân cũng đang hỏi thăm nhau…
Và trong tranh có âm thanh rì rào, các giai điệu trầm bổng xa xa cũng đang hỏi thăm nhau. Vì vậy, sự tỏa sáng trong tranh của chị chính là sự rực rỡ về tình cảm giao hòa, là các câu chuyện giữa người với người Tây Nguyên, là chuyện làng mình.
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế, mùa đông năm 1985, chị lên Pleiku nhận công tác. Sau gần 10 năm sinh sống ở vùng đất mới, với vô vàn chuyến đi vô làng và vô vàn ký họa, ghi chép, chị cảm thấy mình thực sự đủ “chín” để sáng tác về Tây Nguyên. Chị vẽ theo đúng tinh thần đời sống của họ, chứ không phải theo kỹ thuật, suy nghĩ của mình.
Thế nhưng, sau chừng 5 năm vẽ sơn dầu về đề tài này, chị vẫn thấy chưa thỏa mãn, nên tạm gác lại việc sáng tác và tạm xa gia đình nhỏ một thời gian để về Huế học sơn mài một cách bài bản, hàn lâm. Họa sĩ Xuân Thu bày tỏ: Tôi gọi triển lãm lần này là Nghe kể chuyện làng mình, vì đây là câu chuyện của chính làng mình, chứ không còn là chuyện làng Tây Nguyên trong mắt một người rất Huế, có sự cách biệt.