Sáng nào cũng vậy, cô Lê Thị Hiên (52 tuổi, ở phường Hiệp Phú, quận 9, TPHCM) cũng dậy rất sớm để chuẩn bị đón đứa trẻ do cha mẹ bé mang tới gửi.
Cô Hiên làm công việc nội trợ, bán thêm quầy tạp hóa tại nhà và từ 5 năm nay cô làm thêm việc trông trẻ. Hiện cô Hiên đang nhận trông một bé gái hơn 3 tuổi, con một cặp vợ chồng làm trong Khu Công nghệ cao, với tiền công 2,7 triệu đồng/tháng.
Hàng ngày từ 6 giờ sáng cha mẹ bé mang bé tới gửi, chiều khoảng hơn 17 giờ thì tới đón về. Cha mẹ cháu chuẩn bị sẵn, mang tới sữa, cháo và các loại đồ ăn nước uống dành cho bé. Cô Hiên chỉ việc giữ bé, tới bữa thì cho bé ăn uống mà thôi.
Một số thích gửi con cho người giữ trẻ tại gia ở quanh hàng xóm, cho tiện việc đưa đón và nhất là biết có thể tin cậy được.
Một người giữ trẻ tại gia khác là cô Liên (61 tuổi, ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM) đã nhận trông trẻ từ 8 năm nay, cho biết: “Mỗi đợt tôi chỉ nhận 2 - 3 bé, cũng có thu nhập khá ổn định. Nhận trông trẻ không cần phải quảng cáo, chiêu sinh gì cả, chỉ cần mình trông trẻ có uy tín thì người này sẽ giới thiệu cho người kia và họ tự tìm tới, thỏa thuận rồi gửi con. Tất nhiên để kiếm được 5 - 7 triệu đồng/tháng từ việc trông trẻ cũng không đơn giản chút nào, bởi các bé còn nhỏ thường hay quấy khóc, chưa kể nhiều bé dưới 3 tuổi thường phải bế suốt”.
Nghề giữ trẻ tại gia đang đắt khách, khu dân cư của nhà cô Liên từ mấy năm nay đã trở thành xóm trông trẻ, 10 hộ thì có tới gần một nửa nhận trông trẻ tại gia.
Bà Đỗ Thị Mẫn (đã 70 tuổi, sát cạnh nhà cô Liên, đang nhận trông một bé 4 tuổi) kể: “Tôi già rồi mà sức khỏe vẫn tốt, nên nhận trông một bé cho vui cửa vui nhà, mỗi tháng cũng kiếm được gần 3 triệu đồng tiêu vặt, đỡ gánh nặng cho con cái”.
Muốn mở một cơ sở trông giữ trẻ với quy mô nhỏ hay lớn thì đều phải xin giấy phép, song với việc nhận trông giữ chỉ một vài trẻ tại gia theo thỏa thuận giữa đôi bên, cơ quan chức năng cũng không khắt khe, bởi công việc này không chỉ tạo cho người dân có thêm thu nhập, mà còn giúp các cặp vợ chồng trẻ có chỗ gửi con để yên tâm đi làm, trong lúc con còn chưa đủ cứng cáp để mang tới các cơ sở mầm non.