Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành và gần 200 cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 1,4 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước. Đây là những nhà giáo có thành tích nổi bật trong sự nghiệp trồng người, trong đó nhiều thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là giảng viên tại các trường đại học hàng đầu hoặc đang công tác tại các trường dành cho trẻ khuyết tật.
Thủ tướng gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Chia sẻ về câu chuyện một thầy giáo nghèo ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long) dù sức khỏe kém và rất nghèo, nhưng thầy vẫn đứng ra vận động quyên góp quần áo, sách vở cho học sinh, thầy đã qua đời cách đây không lâu; hay câu chuyện Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã trả lời Thủ tướng rằng giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là giáo dục...,
Thủ tướng nhấn mạnh: Giáo dục quyết định sự phát triển của xã hội. “Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ở bất kỳ quốc gia nào, giáo dục luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, dân tộc Việt Nam có truyền thống quý báu là “tôn sư, trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nên trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nhà giáo và nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Hình ảnh người thầy giáo, cô giáo không chỉ gắn với sự truyền bá tri thức mà còn thể hiện lòng nhân ái, đạo đức trong sáng, mẫu mực.
Theo Thủ tướng, đóng góp công sức nhiều nhất vào những thành quả giáo dục nước nhà không ai khác chính là đội ngũ giáo viên. Mỗi nhà giáo bằng những cách khác nhau đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm và tâm huyết. “Đổi mới giáo dục đào tạo (GD-ĐT) cũng song hành với không ít khó khăn. Áp lực đặt lên vai người thầy nặng nề hơn, trong khi đời sống, thu nhập chưa được cải thiện đáng kể và đâu đó trong xã hội vẫn chưa thấu hiểu, chia sẻ với những vất vả của thầy cô giáo.
Ngày tết, ngày lễ, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiền thưởng có thể hàng triệu đồng nhưng có trường tiểu học, tiền thưởng chỉ có 100.000 đồng”, Thủ tướng chia sẻ. Thủ tướng nhấn mạnh, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Muốn có những học sinh giỏi thì phải có người thầy tốt. Nhà giáo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong truyền bá kiến thức, kỹ năng, mà còn góp phần hình thành và phát triển nhân cách người học. Thông qua việc dạy học, người thầy phải “gieo mầm” những phẩm chất tốt đẹp, tạo dựng cho người học thái độ và năng lực nghề nghiệp cần thiết để trở thành người có ích cho xã hội.
Thủ tướng khẳng định, một trong những yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà giáo phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và an tâm cống hiến.
Thủ tướng cũng đề nghị khẩn trương rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ và phát huy hiệu quả đội ngũ giáo viên; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương. Nghiên cứu cơ chế chính sách để thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào ngành sư phạm.
“Từng gia đình cũng phải có trách nhiệm với ngành giáo dục trong sự nghiệp giáo dục, nhất là đạo đức công dân. Các cơ sở GD-ĐT quan tâm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, dân chủ và phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo, đồng thời quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên”, Thủ tướng nói.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành giáo dục.