Bảo tàng Lịch sử TPHCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1) vừa khai mạc trưng bày chuyên đề Sưu tập Nguyễn Hữu Triết - Tâm huyết một đời người, từ nay đến hết ngày 31-7. Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Triết được nhiều người biết đến như là một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu ở Việt Nam, với gần 30 năm tâm huyết tìm và nghiên cứu về cổ vật.
Chuyên đề lần này giới thiệu một số lượng lớn hiện vật đa dạng về chủ đề, loại hình và phong phú về chất liệu, đề tài trang trí, có xuất xứ từ Việt Nam cùng nhiều quốc gia. Hơn 300 hiện vật trưng bày và được chia thành nhiều bộ sưu tập như: bộ sưu tập cân và quả cân gắn với hoạt động giao thương trong lịch sử; bộ sưu tập lục lạc với các loại hình đa dạng và phong phú về chất liệu (bạc, đồng, gỗ, gốm); bộ sưu tập dụng cụ ăn trầu gồm các loại bình vôi, ống vôi, dao, ô trầu, ống nhổ, cối, chìa ngoáy, hộp đựng… với chất liệu gốm và kim loại. Đặc biệt, khách tham quan bảo tàng dịp này sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn bộ sưu tập đèn cổ của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới được chọn lựa từ “Bộ sưu tập đèn cổ nhiều nhất Việt Nam”, được xác lập Kỷ lục năm 2005 bởi Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam.
Dừng lại khá lâu trước bộ sưu tập lư hương và bát nhang gốm thời Trần (thế kỷ 13-14), thời Mạc (thế kỷ 16-17), lư hương gốm Phù Lãng (thế kỷ 17-18) và lư đồng thời Nguyễn (thế kỷ 19), Hoàng Mai Phương Thảo (25 tuổi, ngụ quận 4) cho biết: “Xem qua những cổ vật cụ thể này mới hiểu hết ông bà xưa đã từng cúng bái như thế nào. Đúng là có thờ có thiêng, những nghi thức thuộc về tâm linh luôn được chú trọng một cách nghiêm túc”.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, chia sẻ: “Bảo tàng khai mạc chuyên đề lần này vào dịp lễ 30-4 và 1-5, những cổ vật trong bộ sưu tập có niên đại lâu đời, gắn với những thời kỳ lịch sử khác nhau. Hy vọng đây cũng là dịp để khách tham quan bảo tàng được chiêm ngưỡng những cổ vật ngàn năm và tìm hiểu về những câu chuyện, giá trị lịch sử một cách cụ thể từ những cổ vật”.