Nghề cào nghêu ở Cần Giờ

Nghề cào nghêu ở Cần Giờ

Chúng tôi đến, biển vắng, những con thuyền cũ kỹ nằm chơ vơ quăn queo dưới cái nắng chiều hiu hắt. Bên cạnh sự quạnh quẽ, ảm đạm đến thê lòng của một làng biển là những chú bé, mặt cúi gầm, chân tay thoăn thoắt cầm cần cào sục sạo dưới bãi cát. Thỉnh thoảng các em cúi xuống nhặt nhạnh những con nghêu vừa mới trồi lên khỏi bãi cát để đem về đổi lấy từng lon gạo. Cuộc sống giản đơn, quanh quẩn chỉ có vậy mà đã “ngốn” hết tuổi thơ của bọn chúng trên sân nghêu đầy nắng, gió và sóng biển của huyện Cần Giờ, TPHCM.

Nghề cào nghêu ở Cần Giờ ảnh 1

Người cào nghêu mướn đang miệt mài.

Ở xứ biển này, nếu nói đến một người cào nghêu nổi tiếng thì ai ai cũng nhắc đến ông Quí (Bùi Văn Quí), người làng cào thường gọi bác Quí là “lão cào”. Sở dĩ ông được nhận biệt danh này là vì cuộc đời trên sân nghêu đã ngốn hơn 2/3 số tuổi của ông.

Thân hình gầy guộc, đen rám, ông Quí cho rằng sở dĩ như vậy là do hàng chục năm dãi nắng dầm mưa cùng biển thì làm sao tránh khỏi sự bào mòn của khí hậu biển, đó là mối đe dọa đến khắc nghiệt đối với dân cào. “Biết làm gì hơn bây giờ hở chú, khi cuộc sống ở đây chỉ có nghề này còn hái ra được tiền, còn những nghề khác thì xem như vô vọng. Chẳng lẽ ngồi chờ chết đói hay sao mà không chịu ra biển để cào nghêu mướn chứ”. Trả lời chúng tôi những câu thật ngắn, rồi ông Quí vội vã vác cần cào sải bước về phía biển. Những con sóng chiều mỗi lúc một hung dữ hơn. “Mặc kệ nó, phải đi tìm miếng cơm bỏ bụng cho ngày mai thôi…”. “Lão cào” Quí thì thào trong miệng rồi vội vã vụt đi về phía khơi xa, nơi cơn sóng biển đang giận dữ thét gào…

…“Hôm nay phải chờ màn đêm buông xuống thì con nước thủy triều mới ròng cạn. Chú ráng đợi đi, theo chúng tui một chuyến vui hay buồn là biết liền hà”. Chị Hà Thị Thu, ấp Long Thạnh, xã Long Hòa kể đủ thứ mọi chuyện về phận người cào nghêu ở đây như để cố gắng mời chúng tôi ở lại. Hơn 8 giờ tối, biển giờ thật sự vắng lặng, chỉ có tiếng sóng xô vào bờ nghe rạt rào vang bên tai. Nhưng những trở ngại đó không đủ để hăm dọa, cản ngăn bước chân những đoàn người cào nghêu chuyên nghiệp ở đây. Từ trên bãi cát mênh mông, họ kéo nhau ra ngoài khơi xa gần cây số, nơi con nước ròng rút đi bỏ lại bãi cát màu xám xịt. Chị Thu thở phào nhẹ nhỏm: “Hôm nay biển lặng và yên ắng thật. Trời cũng quang đãng không mưa dầm như những hôm trước. Đây là thời tiết thích hợp nhất để chúng tui cào đây!”.

- Nếu sống chăm bẵm vào đồng tiền còm cõi này thì những lúc mưa gió trở trời, khi đau bệnh, rồi sinh con đẻ cái, sống thế nào đây? Tôi hỏi.
Chị Thu cười buồn:

- Trời sinh trời nuôi mà chú, lo làm gì cho mất công. Mà mình có tính thì cũng không bằng trời tính đâu chú ạ? Như gia đình tui có 3 đứa con mà chỉ có cần cào này là nuôi cho chúng ăn học. Làm ngày nào xào bữa nấy, nuôi cho nó học được đến đâu thì hay đến đó chứ không biết được. Đứa lớn mới 10 tuổi nhưng trông gầy yếu lắm nên chưa khiêng nổi cần cào, nếu không thì cũng cho nó nghỉ học để gia nhập đội quân cào thuê này thôi.

- Vậy còn chồng chị làm gì ở xứ biển nắng gió này?

Khi nhắc đến cha của những đứa trẻ, chị Thu nghẹn ngào:

- Ba của nó cũng sinh ra và lớn lên từ các bãi nghêu này. Nhưng đến khi sinh ra đứa thứ ba thì mình ông kham không nổi từ đồng tiền cào thuê còm cõi này nên đã bỏ nhà và mẹ con chúng tui ra đi biền biệt. Gia tài mà ông ấy bỏ lại cho tui là 3 đứa con trẻ và một cần cào trị giá 12.000 đồng!

Tôi chợt nghĩ, sự chia tay của một đôi vợ chồng trên sân nghêu này sao lại giản đơn đến thế? Và chị Thu lại bắt đầu một cuộc tảo tần nuôi con trên cái bãi nghêu sóng gió này với một lối thoát mịt mù khi nhìn về tương lai của những đứa con. Những cơn gió cuối mùa tiếp tục xô những con sóng cuồn cuộn vào bờ. Mặc cho cái nắng hanh khô của gió, của hơi muối thốc thẳng vào những gương mặt đen rám, những người cào nghêu ở trên bãi biển Cần Giờ vẫn âm thầm hứng chịu để đổi lấy sự sống, để tồn tại mưu sinh.

Nghề cào nghêu ở Cần Giờ ảnh 2

Những chú bé cào nghêu mướn trông về khơi xa để chờ nước cạn.

Trong khoảng không gian tối mịt, hơn 50 người bắt đầu thoăn thoắt trong bộ cần cào. Có bao nhiêu sức lực họ đều dùng hết trong quãng thời gian này, bởi không thể chậm trễ hơn được nữa, con nước thủy triều lớn đầy sẽ không chờ đợi họ. Trong số hàng chục người nhấp nhô, tận tụy cào, thằng bé trạc chừng 13 tuổi, mình mẩy nó đen nhẻm, tên nó là Biền.

Đưa tay quệt vội dòng mồ hôi nhễ nhại trên trán, Biền đáp lại với tôi gọn lỏn: “Học làm gì hở chú khi cái bụng không no được. Ba mẹ con nói vậy, nên kể từ năm học lớp 1 là con đã biết cào nghêu mướn và bắt đầu tháp tùng theo những người cào nghêu mướn ở bãi biển này rồi. Đến giờ thì con đã trở thành dân cào chuyên nghiệp rồi. Mỗi ngày có hai con nước ròng cạn bất kể ngày hay đêm, từ bãi nghêu này con cũng kiếm thêm được trên 30.000 đồng. Đưa cho cha mẹ 20.000 đồng, còn lại 10.000 đánh bài, hút thuốc, uống cà phê… vậy là vui rồi!”. Vậy là tôi đã hình dung ra được cuộc đời của những người cào nghêu ở đây đơn giản, chỉ có vậy. Kiếm tiền từ nghề cào nghêu thuê mướn là thu nhập chính, là con đường mưu sinh duy nhất của họ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết những số phận sống quanh quẩn với làng biển này có đến hơn 200 con người chứ ít ỏi gì.

Hai thằng bé Bi và Hoàng ở Đồng Hòa, Long Hòa ngồi bó gối bên 2 cây cần cào, mắt đang đăm đắm trông về phía khơi xa. Thỉnh thoảng chúng nó lại hỏi nhau những câu hỏi vô cớ mà từ trước đến nay nó vẫn thường hay hỏi: “Sao hôm nay nước ròng cạn chậm giữ vậy ta. Đã 4 giờ chiều rồi mà sao nước vẫn chưa rút vậy ta…”. Thật ra chúng nó cũng dư biết rằng nước triều rút xuống để cho chúng nó dễ dàng cào nghêu, lúc này không sợ những người lớn giành giựt. Hai đứa bằng tuổi nhau, nhưng Bi trông đầy đặn người hơn Hoàng vì mới vừa đi cào được hơn 3 tháng.

- Thằng Bi nó đã cào trước em mấy năm nay rồi.

- Vậy, hai đứa bao nhiêu tuổi mà cào mấy năm rồi?

- Hai đứa em mới 12 tuổi thôi, nhưng thằng Bi thì đã biết cào nghêu từ năm 6 tuổi lận. Nó nhờ có ba nó là dân cào ở đây nên nó biết cào nghêu sớm. Còn em 3 tháng hè vừa qua được nghỉ học, nên theo nó tập tành cào vậy mà. Má em nói nếu cào được thì má cho nghỉ học luôn để đi cào. Bởi vậy em phải ráng thôi!

Đợt sóng biển bất chợt ùa vào như xé toang những suy nghĩ của chúng tôi. Sóng như cuốn đi những số phận của những đứa trẻ thơ đang bắt đầu bước vào đội quân “cào thuê” ra tận biển xa. 

NGUYỄN PHƯƠNG LAM

Tin cùng chuyên mục