Có khó khăn, cứ đến nhà bí thư chi bộ
Lật giở cuốn sổ được ghi ngay hàng thẳng lối, bà Văn Lệ Di giải thích đây là danh sách các gia đình cần được chăm lo trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, còn đây là nhiệm vụ giao cho các đảng viên, đoàn thể. Từng cái tên được bà ghi cẩn thận, cùng với chú thích là gia đình neo đơn, khuyết tật, mắc bệnh nan y, thực hiện nghĩa vụ quân sự, thất nghiệp…
Những lúc rảnh rỗi, bà Lệ Di lại đến từng căn nhà trong các con hẻm nhỏ ở khu phố 4 để thăm hỏi cuộc sống người dân, tìm hiểu các gia đình ấy đang có khó khăn gì để kịp thời hỗ trợ.
Mấy chục năm nay, bà Lệ Di nắm rõ từng hoàn cảnh của hơn 520 hộ dân trong khu phố này (trong đó có 42% là người Việt gốc Hoa) và hầu như ai cũng biết bà; nhưng bà vẫn muốn thấy, nghe lại xem sau một thời gian, nhất là vào thời điểm tết cận kề thế này, cuộc sống các gia đình ấy có nhiều thay đổi hay không. Những điều tận mắt thấy, tận tai nghe và từ thông tin người dân cung cấp, bà Lệ Di tỉ mẩn ghi vào cuốn sổ của mình.
“Có người mấy tuần trước còn khỏe lắm, nay phải nằm một chỗ vì tai biến. Còn gia đình Cam Gia Bảo này, trước đây 2 vợ chồng cùng đi làm, dù thu nhập không cao nhưng nuôi được 3 đứa con đi học, đùng một cái chồng thất nghiệp nên giờ vợ phải một mình gồng gánh. Những trường hợp đột xuất như vậy, mình phải thường ghé qua thì mới nắm biết được mà kịp thời có hướng trợ sức”, bà Lệ Di tâm sự.
Nắm rõ tình hình các hộ dân, bà Lệ Di cùng chi bộ, đoàn thể lên kế hoạch chăm lo chu đáo: hộ nào chăm lo ở khu phố, hộ nào đề xuất phường, quận, thành phố chăm lo để đảm bảo tết đến với mọi người, mọi gia đình.
“Đây là phiếu tôi sẽ phát đến từng hộ dân để nhận quà dịp cuối năm. Còn đây là nhu yếu phẩm tôi cùng cấp ủy chuẩn bị để gửi từng phần quà đến tay người dân”, bà Lệ Di đưa chúng tôi đi xem khu vực chất đầy hàng hóa tết trong nhà.
Hơn 10 năm giữ vị trí Bí thư Chi bộ khu phố 4, bà Lệ Di dành nhiều thời gian, công sức để gần dân, hiểu dân, nhất là với đồng bào người Việt gốc Hoa. Hiểu rõ nhau nên bà Lệ Di dễ dàng tiếp cận các hoàn cảnh trên địa bàn và có thể nhanh chóng hỗ trợ khi cần kíp.
Cứ vậy, như thói quen, gia đình nào có khó khăn cũng đều tìm đến bà. Nhà ai có hữu sự, đau bệnh, khi biết tin là bà Lệ Di tìm đến thăm hỏi, trợ giúp. Rồi trong lúc chăm lo, thăm hỏi người dân, bà Lệ Di “tranh thủ” chia sẻ về các chủ trương, chính sách, các hoạt động trong khu phố để người dân biết.
Thấy nhiều người Việt gốc Hoa không rành tiếng Việt, bà Lệ Di lên kế hoạch để ngoài các cuộc họp hàng quý tuyên truyền bằng tiếng Việt, mỗi năm 2 lần, chi bộ lãnh đạo khu phố tổ chức tuyên truyền, họp mặt người dân và nói chuyện bằng tiếng Hoa.
“Bà con người Việt gốc Hoa sống khép kín và thường sống theo cộng đồng của mình. Hiểu phong tục, tập quán ấy, tôi cùng các đảng viên trong chi bộ sâu sát, gần gũi, dùng sự chân thành của mình để chia sẻ cùng bà con. Nhờ vậy, chi bộ dần xây dựng được lực lượng nòng cốt trong nhân dân”, bà Lệ Di chia sẻ.
Chính vì tạo được niềm tin trong dân nên khi chi bộ, đoàn thể vận động người dân chung sức thực hiện các công trình dân sinh, mọi người đều đồng thuận. Đến nay, nhiều người dân trong khu phố vẫn nhớ hình ảnh bà bí thư chi bộ gần 65 tuổi không ngại dịch Covid-19, đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ đến từng con hẻm để gửi thực phẩm, thăm hỏi tình hình từng hộ dân, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước đến người dân để người dân an tâm phòng dịch bệnh.
Nhiều năm nay, với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố, bà Lệ Di tìm các nguồn để chăm lo hàng tháng. Nhằm tạo nguồn cho quỹ khuyến học, bà vận động người dân nuôi heo đất, bản thân bà cũng nuôi một con heo. Ban đầu chỉ có 9 người tham gia, sau đó, thấy chương trình ý nghĩa, thiết thực, lại được bà Lệ Di đến nhà chia sẻ cái hay, cái lợi của việc nuôi heo đất, đến nay hơn 100 con heo được người dân nuôi.
Hay công trình lắp camera an ninh, làm hẻm, làm đường cờ Tổ quốc, lưới chắn rác ở miệng cống, tạo dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh…, khi bà Lệ Di vận động, hầu hết người dân đều đồng thuận tham gia rất tích cực.
Nhắc đến bà Lệ Di, ông Nguyễn Văn Di, 89 tuổi, ngụ khu phố 4, khen ngợi: “Có một người bí thư chi bộ tận tâm, đầy uy tín như vậy, người dân khu phố rất an tâm”.
Lý tưởng của bà Thẩy
Trong không khí những ngày cận tết, các tuyến hẻm tại khu phố 10, phường 19, quận Bình Thạnh được trang trí bằng đèn lồng rất đẹp mắt.
Bà Diệp Dỉu Thẩy (người Việt gốc Hoa), Bí thư Chi bộ khu phố 10, cho biết, trên địa bàn khu phố đều là các tuyến hẻm nhỏ nên không có điều kiện để tổ chức không gian ngày tết. Vì vậy chi bộ khu phố đã cùng bàn thảo và ban hành nghị quyết phát động người dân dọn dẹp, trang trí các tuyến hẻm, vận động người dân treo cờ để tạo không khí tết. Từ sự vận động nhiệt tình của bà Thẩy và các đoàn thể khu phố, người dân đã đồng loạt trang trí các tuyến hẻm rất rực rỡ.
“Nay có không khí tết rồi ha bà Thẩy! Tối đến mở đèn lồng nhìn lung linh, ấm áp lắm”, những người phụ nữ trong hẻm 62 Ngô Tất Tố nói từ xa, khi thấy bóng dáng bà Diệp Dỉu Thẩy đi tới.
Không chỉ hẻm 62 Ngô Tất Tố mà hầu hết các con hẻm trên địa bàn khu phố 10 đã rực rỡ đèn lồng, người dân cũng chuẩn bị treo cờ để đón tết. Khảo sát mấy tuyến hẻm xong, bà Thẩy bảo, mấy năm trước, các tuyến hẻm này xuống cấp trầm trọng, mặt hẻm bong tróc, mưa nhỏ là ngập, còn mưa lớn thì nước lên ngang đùi người lớn.
Hơn 15 năm làm bí thư chi bộ khu phố, điều tâm huyết nhất của bà là hoàn thành nâng cấp các tuyến hẻm, xây nhà tình nghĩa và quyết tâm đẩy lùi nạn đá gà, ghi số đề trên địa bàn.
“Nhiều khi mình nghĩ rằng không khó lắm, nhưng khi làm thì rất khó. Vận động người dân là cả một nghệ thuật”, bà Thẩy tâm sự. Nghệ thuật mà bà Thẩy đã làm đó là luôn đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ.
“Tại sao mình nói người ta chưa nghe, tại sao người ta cau có với mình, tất cả đều có lý do hết. Nếu mình hiểu được hoàn cảnh của họ thì sẽ có cách tháo gỡ”, bà Thẩy nói.
Chính nhờ nghệ thuật ấy mà hơn 3 nhiệm kỳ làm bí thư chi bộ khu phố, bà đã quy tụ được người dân chung tay làm nhiều việc, góp phần làm cho đời sống của người dân trong khu phố được nâng lên. Hiện toàn bộ tuyến hẻm trong khu phố đều được nâng cấp, tu sửa; không còn tệ nạn đá gà, cờ bạc; không còn hộ nghèo.
Các dịp lễ, tết, những gia đình có điều kiện đều chuẩn bị những phần quà tặng bà con trong khu phố. Hoặc cứ đến dịp tết, nhà có điều kiện lại nhận phần trang trí cả tuyến hẻm để bà con cùng vui.
Hiện nay, ngoài thời gian công tác tại khu phố, bà Thẩy còn phải bận rộn chăm chồng, con đau bệnh, nhưng trong ánh mắt bà vẫn đầy nhiệt huyết, chưa khi nào công tác ở khu phố làm bà nản lòng. Bà không coi vai trò bí thư chi bộ khu phố là gánh nặng, mà bà gọi đó là lý tưởng.
Bà Thẩy chia sẻ, ngay từ nhỏ, bà đã luôn nghe mẹ của mình kể về những đêm không ngủ, cùng hàng xóm tham gia giấu bộ đội, giấu vũ khí…, nên tình cảm của bà với cách mạng rất lớn. Sau này lớn lên, bà tham gia hoạt động Đoàn ở khu phố, rồi được cán bộ ngoài Bắc vào tiếp quản Sài Gòn dìu dắt, dạy bảo nên lý tưởng về Đảng trong tim bà luôn mãnh liệt.
Dẫu cho có giai đoạn, khi bà làm hồ sơ kết nạp Đảng, với nguồn gốc là người Hoa khiến bà gặp không ít khó khăn, song bà đều vượt qua những điều đó để luôn là người đảng viên trung thành với Đảng, sống liêm khiết và hết lòng vì người dân.
Ngày vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, bà Văn Lệ Di chỉ muốn được cống hiến nhiều hơn chứ không nghĩ một ngày sẽ là bí thư chi bộ khu phố. Khi được tín nhiệm giữ vị trí Bí thư Chi bộ khu phố 4 với lực lượng nòng cốt mỏng manh, bà biết mình phải cố gắng nhiều hơn.
“Tôi nghĩ đến lời dạy của Bác, mọi việc phải lấy dân làm gốc. Vậy là trong mọi kế hoạch của mình, tôi cùng cấp ủy sâu sát, nắm bắt tình hình trong dân, việc gì có lợi nhất cho dân thì làm. Từ tin tưởng, người dân đồng thuận và cùng chi bộ thực hiện thành công các công trình tại địa phương”, bà Văn Lệ Di bộc bạch.