Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu địa phương, các đơn vị huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở; yêu cầu huyện Kỳ Sơn đánh giá, tổng hợp chính xác thiệt hại, sắp xếp theo thứ tự các công việc, hạng mục cần hỗ trợ để tỉnh quyết định hỗ trợ sớm; giao Sở NN-PTNT hướng dẫn huyện Kỳ Sơn khảo sát quy hoạch xây dựng khu tái định cư cho người dân.
Chiều cùng ngày, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cho biết, nước lũ đã rút, mưa đã ngớt, nhưng hiện đang có nỗi lo mới là nguy cơ sạt núi, lở đất. Hiện nay, do đợt mưa lớn kéo dài kèm lũ quét vừa qua nên nền đất ở nhiều nơi không còn ổn định, nguy cơ sạt lở. Đặc biệt, ở đỉnh đồi phía trên bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) xuất hiện nhiều vết nứt, có vết nứt kéo dài khoảng 200m, nguy cơ sạt lở rất cao. Hiện nhiều tuyến đường vào các xã bị sạt lở nặng, như tuyến Mường Xén - Tây Sơn, tuyến Khe Nằn - Chiêu Lưu - Na Ngoi, tuyến Huồi Tụ - Na Loi - Keng Đu. Quốc lộ 7A từ thị trấn Mường Xén lên cửa khẩu Nậm Cắn cũng bị sạt lở nhiều điểm gây ách tắc giao thông. Ông Thò Bá Rê lo lắng: “Tôi mới cùng đoàn công tác của huyện lên kiểm tra thực tế trên núi, nhiều vị trí ở bản Hòa Sơn không còn an toàn như trước, cần phải di dời dân đến nơi ở mới càng sớm càng tốt”.
Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An tiếp tục điều động lực lượng vào giúp nhân dân các bản Bình Sơn 1 (ảnh), Bình Sơn 2 (xã Tà Cạ). Mặc dù lũ quét không gây thiệt hại nặng như bản Hòa Sơn, Sơn Hà, nhưng đây là những bản xa trung tâm, có nhiều nhà bị hư hỏng, bùn đất trôi vào nhà, đường sá bị vùi lấp.
Chiều 5-10, Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chính quyền và các lực lượng xung kích, người dân địa phương đã tiến hành xử lý tạm thời bằng bao tải cát và rọ đá tại các điểm sạt lở bờ biển với chiều dài khoảng 2.000m do triều cường và gió bão số 4 gây ra. Về lâu dài, các điểm sạt lở bờ biển nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang và TP Huế cần phải xây kè.
|